Về đích tuyệt vời, nhưng chưa thể vội mừng

ANTĐ - Với việc lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm và lạm phát cả năm được kiểm soát cả năm chỉ ở mức 6,81%, thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều gian khó để “về đích” 2012 một cách tuyệt vời. 

Đó là hoàn thành mục tiêu cao nhất: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và vẫn có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Thật đáng phấn khởi khi trong bối cảnh đầu ra của doanh nghiệp năm nay rất khó khăn, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục mà chúng ta đã đạt được mục tiêu xuất siêu đau đáu từ hàng chục năm nay của kinh tế Việt Nam.

Vượt lên sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn giành được chỗ đứng đáng nể trên thị trường quốc tế khi kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011 và đóng góp tới 30% vào tăng trưởng GDP chung của cả nước. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới. 

Những kết quả trên rất đáng mừng khi mà xuất siêu đã đóng góp tốt cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá và tăng thanh khoản đáng kể về ngoại tệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu phân tích từng số liệu có thể thấy, với đặc thù là nước đang phát triển và ngành sản xuất công nghiệp hiện vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp nên xuất siêu có được chủ yếu là từ sự bứt phá xuất khẩu các nhóm hàng gia công, lắp ráp. Trong khi đó, để xuất được 20,5 tỷ USD cho 2 nhóm hàng trên, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong nước đã phải chi 13,1 tỷ USD để nhập linh kiện đầu vào. Nghĩa là, giá trị xuất khẩu thực tế chỉ 7,4 tỷ USD.

Việc kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của khối doanh nghiệp trong nước năm 2012 giảm tới 6,7% trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại tăng tới 23,5% cho thấy sản xuất trong nước vẫn hết sức khó khăn. Thành tích xuất siêu năm nay lại hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng gần đây rộ lên những câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp này. Lợi nhuận không ngừng tăng nhưng phần đóng góp thực tế vào ngân sách Nhà nước của khối doanh nghiệp FDI gần như không tương xứng với những ưu đãi mà họ nhận được. Xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu máy móc linh kiện về gia công lắp ráp nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chủ yếu ở góc độ giải quyết công ăn việc làm cho lao động, còn đóng góp thực chất về giá trị là không lớn. 

Chính vì thế, có thể thấy xuất siêu trong thời điểm hiện nay chưa hẳn do năng lực cạnh tranh và năng suất, khả năng điều hành nền kinh tế được cải thiện. Vì vậy, điểm sáng xuất khẩu năm 2012 cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục cho năm 2013, nhất là trong việc tiếp tục cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất thô sản phẩm.

Còn niềm vui ngôi vị xuất khẩu gạo số một cũng chưa trọn vẹn khi còn đó  nỗi buồn của người nông dân chỉ bán được gạo giá thấp. Giá bình quân một tấn gạo xuất khẩu lại giảm mạnh (từ 493,6 USD/tấn năm 2011 đã giảm chỉ khoảng 443,5 USD/tấn năm 2012). Nghĩa là xét về giá trị, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đứng thứ ba.

Phấn khởi, nhưng vẫn phải lo khi niềm vui còn chưa trọn vẹn là vậy.