Về cầu Long Biên: Tranh luận sôi nổi chưa ra phương án

ANTĐ - Khi chưa tìm được phương án cuối cùng cho số phận cầu Long Biên, trong giới nghiên cứu tiếp tục nổ ra những cuộc tranh luận khá gay gắt.

Cầu Long Biên phải được ứng xử như “quần thể sống”

Có đến mức phải di dời?

“Không thể tìm một vị trí khác thích hợp hơn cho tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên”, đó là khẳng định của  ông Phan Xuân Đại - Cố vấn cao cấp của Bộ GT-VT trong diễn biến tiếp theo về phương án xử lý với cầu Long Biên. Lý giải cho điều này, ông dẫn ra tình trạng, từ những năm 1960 đến 1972, cầu Long Biên đã chịu nhiều đợt ném bom của Mỹ. Dù ngành đường sắt nhanh chóng xây dựng các trục tạm để chống đỡ dầm chính khỏi bị gẫy đổ nhưng vẫn không giữ được khoảng 2/3 các nhịp dầm giữa sông bị sập đổ hoàn toàn (1.200m trên tổng số 1.800m). Cho đến nay, khả năng chịu tải của cầu Long Biên chỉ còn 57% so với mục tiêu ban đầu. 

Tuy nhiên,  GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu - Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho rằng, nếu chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông thì đây là cách ứng xử sai lầm, khi trên thực tế, cầu Long Biên phải được coi là thiết chế tổng hợp của nhiều ngành. Đồng tình với quan điểm của GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, vấn đề kỹ thuật trong bảo tồn không phải là lớn khi chúng ta đã có kinh nghiệm cầu quay, cầu “mở” ngay ở Đà Nẵng và dù là phương án nào muốn di dời cây cầu cũng là sự ngụy biện cho việc “giải tỏa hai đầu cầu quá khó khăn”.

Bao giờ trở thành di sản?

Giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu Long Biên không còn phải bàn cãi thêm nữa. GS.KTS Hoàng Đạo Kính đã nói, “Chưa có một công trình nào ghi tạc trong tiềm thức mỗi người dân diện mạo của Thủ đô Hà Nội một cách mạnh mẽ như thế. Đây vừa là một kỳ công về xây dựng, kỳ tích về kỹ thuật và là một kỳ quan đô thị”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này cầu Long Biên vẫn chưa được công nhận là di sản? Trong những nỗ lực “giải cứu” cầu Long Biên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc cần làm ngay là gấp rút lập hồ sơ để đưa cầu Long Biên trở thành di sản. Đây cũng chính là chìa khóa để đưa ra những phương án bảo tồn cây cầu lịch sử một cách nguyên vẹn, trên cơ sở không can thiệp hay di dời. 

Để cây cầu là “quần thể sống”

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định, không thể cứ nói là bảo tồn, khi xem xét cầu Long Biên phải đặt ra 3 vấn đề: Có cần thiết phải bảo tồn; bảo tồn để làm gì và làm cách nào để bảo tồn? Trong một động thái đưa ra những phương án thiết thực cho cầu Long Biên, KTS. Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp tiếp tục kêu gọi thực hiện ý tưởng “Bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm Thủ đô Hà Nội” mà bà đã xây dựng từ năm 2008 trên cơ sở giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và đúc mới 10 nhịp cầu, tạo thành một bảo tàng ký ức. Cho dù theo bà, chỉ mất chưa đến 3 năm để thực hiện dự án này với kinh phí không quá 2.500 tỷ đồng được Chính phủ Pháp tài trợ, thì cũng cần phải xét nó trên nhiều khía cạnh như đáp ứng giao thông, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, diện mạo kiến trúc đô thị…

Ứng xử như thế nào với cầu Long Biên? Khi cuộc tranh luận trong nhiều ngày qua của giới nghiên cứu, giới kỹ thuật vẫn chưa có hồi kết, thì cầu Long Biên vẫn cần phải được ứng xử như một “quần thể sống”, vừa không đánh mất những giá trị lịch sử, vừa để nó được vận động theo dòng chảy cuộc sống đương đại.