Vàng hay bạc cũng chỉ để đắp chiếu

ANTĐ - Dù được đầu tư về mọi mặt, giành Huy chương Vàng tại các kỳ hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc nhưng rồi sự hấp dẫn của “vàng”, của “bạc” không đủ “dụ” khán giả đến rạp. Đã từ lâu, sân khấu tồn tại thực tế đau lòng, vở đoạt HCV thì “đắp chiếu”, những vở ra về tay trắng vì trót là “kịch thị trường” thì khán giả lại bỏ tiền triệu, ùn ùn kéo đến rạp xem…

“Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ” rất đắt khách tuy không có huy chương

Khi  “vàng” kém hấp dẫn

Tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009, vở kịch nói “Mỹ nhân và anh hùng”, tác giả kịch bản Chu Thơm, đạo diễn NSND Lê Hùng đã gây tiếng vang lớn với bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật. NSND Lê Hùng còn tiết lộ rằng “Sau phần biểu diễn, tôi đã nhận được rất nhiều cái bắt tay thân tình của anh em đồng nghiệp phía Nam và chúc mừng về sự trở lại đầy hiển hách của Nhà hát Kịch Việt Nam”. Vậy mà, trở về từ hội diễn, sự lừng lẫy và đầy vinh dự do các nghệ sỹ làm được chẳng mấy hấp dẫn khán giả. Không lâu sau, cái tên “Mỹ nhân và anh hùng” cứ thế lặng lẽ chìm vì không bán được vé.

Không khó để nhận ra sự chật vật trên con đường đi tìm khán giả của các nhà hát. Gần đây nhất là Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012, tác phẩm “Những mặt người thấp thoáng” của Nhà hát Kịch Hà Nội giành được HCV của hội diễn, nhưng rồi việc bán vé cũng không dễ dàng với tên tuổi của một nhà hát đã được khẳng định vững chắc tại Thủ đô. NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Giành được huy chương của hội diễn là một chuyện, còn việc bán vé hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ làm           marketing, việc quảng bá tác phẩm”. Hay vở kịch chính luận gây tiếng vang rất lớn tại kỳ liên hoan này là “Quyền lực tội ác”, tác giả Đăng Chương, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đến từ sân khấu Phước Sang (TP.HCM) đang “đắp chiếu”, chưa diễn được buổi nào.

Trong khi đó, các vở diễn không giành được giải trong các kỳ liên hoan như “Làm…”, tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSND Hồng Vân, hay “Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ”, Xuân Bắc - Tự Long vẫn đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Lượng vé bán ra cao đến nỗi các nhà hát đều phải mơ ước. Đặc biệt, vở diễn dành cho thiếu nhi của nhóm nghệ sỹ Xuân Bắc - Tự Long đã triển khai việc bán vé ngay từ khi tham gia hội diễn chứ không chờ đến khi trở về. Hiện tượng có phần mâu thuẫn này tại các kỳ liên hoan đã chỉ ra 2 dòng kịch rõ rệt: giải trí và chính kịch cùng 2 cách làm hoàn toàn khác biệt. 

Dựng vở chỉ để… đi thi 

Trong khi các đoàn kịch đến từ khu vực sân khấu công lập được bao cấp và chi phí ăn ở đi lại của các diễn viên do nhà nước chi trả để tham gia hội diễn thì các đoàn kịch xã hội hóa lại chắt bóp từng đồng đến với liên hoan bởi động đến khoản chi nào đều là tiền túi của các “ông bầu”, “bà bầu”. Và tất nhiên, do đặc thù khác biệt này đã nảy sinh ra 2 hướng dựng kịch khác nhau. Các đoàn công lập dựng vở tham gia hội diễn với mục đích duy nhất là giành huy chương. Còn các đoàn xã hội hóa lại dựng vở tham gia hội diễn với cùng 2 mục đích: giành huy chương và bán được vé. Vì thế tại các kỳ liên hoan vừa qua đều chứng kiến các vở kịch cũ từng gây tiếng vang thời gian trước đó rồi dựng lại đến từ các đoàn công lập, còn các đoàn xã hội hóa lại mang đến các vở kịch đang diễn ngay tại rạp hát, vừa tiết kiệm chi phí dựng vở vừa mang hơi thở cuộc sống và lại không lo nguồn kinh phí bù đắp nếu dựng lại một vở mới. 

Hơn thế, trong khi các vở kịch đến từ sân khấu xã hội hóa gọn nhẹ, ít diễn viên thì các vở kịch đến từ sân khấu công lập lại rất nặng nề, huy động lượng lớn diễn viên. Chẳng thế mà, tuy giành được tấm HCV hội diễn sân khấu 2009 nhưng vở “Mỹ nhân và anh hùng” lại không thể đi diễn tại các tỉnh bởi mức độ hoành tráng, quy mô. 

Các vở diễn giành huy chương cao chỉ thực sự “sống” tại hội diễn với sự hào nhoáng của các tấm huy chương và đã không xuất hiện tại các rạp. Đó là một thực tế đáng buồn của sân khấu kịch. Thiết nghĩ, những tấm huy chương sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi vở diễn tồn tại trong lòng công chúng và “sống” cùng họ. Còn vàng, bạc, đồng cũng chỉ là những màu sắc khác nhau để chỉ ra sự khác biệt chất lượng vở diễn và sự đánh giá của BGK.