“Văn hóa mậu dịch” còn đeo đẳng tới khi nào?

ANTĐ - Nhắc đến văn hóa bán hàng ở Hà Nội thì kiểu gì cũng khối người chép miệng, bĩu môi. Đúng là chả khác được nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn cứ rầu lòng. Ăn uống bình dân thì “bún mắng”, “cháo chửi”, còn đến những nơi có thương hiệu lâu năm thì chuyện các khách hàng rơi từ trên trời xuống dưới đất cũng là hết sức bình thường!
“Văn hóa mậu dịch” còn đeo đẳng tới khi nào? ảnh 1

Một tối oi trời, tôi dẫn cậu con trai ngoài 2 tuổi đi hóng gió trên đường Thanh Niên rồi dừng chân ở quán kem ven hồ Trúc Bạch. Cũng không biết quán kem này có từ bao giờ, chỉ biết là đã gắn bó với người Hà Nội từ rất lâu rồi, đã trở thành danh thực và cũng nức tiếng gần xa chẳng kém gì kem Tràng Tiền.

Ngày trước mà đến nơi này ăn kem thì kiểu gì cũng bắt gặp cảnh bán mua như thời bao cấp, khách xếp hàng mua kem qua một ô cửa nhỏ hướng ra mặt đường, khách muốn vào quán ăn thì tự tìm chỗ ngồi, tự đến quầy mua rồi tự phục vụ. Vài năm trở lại đây, cửa hàng có hẳn đội ngũ nhân viên phục vụ, ai nấy đều mặc đồng phục trông rất chuyên nghiệp, nói cười rỉ rả. 

Vốn thường lui đến nơi này nên tôi vẫn quen với kiểu tự phục vụ, tức là tự chọn chỗ ngồi rồi đi thẳng ra quầy gọi cho nhanh. Và lần nào cũng vậy, tôi thường gọi kèm cho cậu con trai nhỏ món khoái khẩu là một chiếc vỏ ốc quế rồi kiên nhẫn về chỗ đợi. Ngồi đợi hồi lâu thì cô phục vụ cũng mang ly kem ra nhưng không thấy chiếc vỏ ốc quế như mọi khi. Đáp lại sự ngạc nhiên của tôi là câu trả lời với giọng đầy khó chịu: “Trong quầy họ không bán, chị tự ra mà mua”.

Thoáng chút ngỡ ngàng, tôi hỏi lại: “Nhưng mọi khi chị vẫn gọi và vẫn mua như thế cơ mà”. Lần này thì kèm theo cái lắc đầu không biết, cô phục vụ cũng không quên gợi ý: “Bây giờ chị không ăn cũng vẫn được cơ mà, không ăn thì thôi”. Nhìn gương mặt ngơ ngác của cậu con trai nhỏ đang chờ chiếc vỏ ốc quế như mọi khi, tôi bế con ra ô cửa sổ phía trước chờ mua, định bụng sẽ hỏi cho ra nhẽ.

Trong quầy có tới dăm bảy người bán, dĩ nhiên là tôi vẫn mua được chiếc vỏ ốc quế như mọi khi và cũng hỏi được nguyên do không bán khi một anh bán hàng cau có bảo: “Không có tiền lẻ trả lại”. Thì ra là vậy, nhưng mà lại thấy vô lý quá, vì người phục vụ bưng đồ ra rồi mới thu tiền, nên làm sao biết  khách có tiền lẻ hay tiền chẵn. Vả lại, kể cả khi không bán nhưng nếu nhận được một câu trả lời nhẹ nhàng và một thái độ phục vụ kiểu khác, thì hẳn khách hàng cũng dễ chấp nhận hơn.  

Lại nhớ có lần chập tối mùa đông, trời rét căm căm, định bụng trên đường đi làm về sẽ rẽ qua cửa hàng quần áo dệt kim trên đường Đội Cấn mua vài bộ quần áo và bít tất cho con. Đồ dệt kim xưa nay vẫn được các bậc cha mẹ chuộng vì thoáng mát và an toàn cho trẻ nhỏ. Vượt qua đoạn đường tắc dài hàng cây số, rốt cuộc tôi cũng đến được nơi cần đến. Bên ngoài dãy cửa kính sáng trưng là tấm biển ghi nguệch ngoạc dòng chữ thông báo đang giờ nghỉ, không có ai bán hàng.

Nhìn đồng hồ thì đúng 6 rưỡi tối, chả phải giờ nghỉ trưa, mà cũng chưa đến giờ nghỉ bán. Nhìn lại phía ngoài cửa, nhận ra hai cô nhân viên mọi khi vẫn đứng bán ở quầy đang rôm rả ăn uống nói chuyện với nhau.

Nghĩ lại việc phải vượt cả đoạn đường dài vừa tắc vừa rét mướt đến đây nên mạnh dạn tiến lại gần hỏi vào mua, một trong hai cô chỉ tay vào tấm biển treo lủng lẳng ra dấu nghỉ, người còn lại thì tiếp lời: “Không có ai bán đâu”. Vừa lúc ấy có hai người khách cũng dừng xe trước cửa hàng, nhìn tấm biển, lầm bầm vài câu gì đó rồi nổ máy đi. Tôi đồ là họ cũng vừa phải vượt cả một đoạn đường vừa dài vừa tắc mới đến được đây.

Quay trở lại với mùa hè oi bức, một buổi trưa nắng gắt, đi trên đường thấy nhân viên của một quán ăn nhanh, dễ chừng tới hơn chục người đang xếp hàng trên vỉa hè tập cách cúi chào khách. Hỏi ra mới biết quán ăn này và rất nhiều quán ăn  “có yếu tố nước ngoài” đều yêu cầu nhân viên phải học cách ứng xử và giao tiếp với khách hàng.

Thỉnh thoảng, kể cả những nhân viên đã trải qua lớp huấn luyện này rồi vẫn cứ phải học lại, nếu thực hành tốt mới được tiếp tục làm việc. So sánh với cái kiểu phục vụ không cần khách như ở nhiều chỗ được mệnh danh là thương hiệu Việt lâu đời, chả biết đến bao giờ các khách hàng Việt mới thực sự được coi là ân nhân?