Văn Giang, Hưng Yên: Hợp tác xã ngang nhiên đổ thải, xây cẩu lấn chiếm sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ cơ quan quản lý Nhà nước đến chính quyền sở tại trên địa bàn xã Thắng Lợi và huyện Văn Giang, Hưng Yên đều “bó tay” trước việc HTX Vôi Dân Chủ lấn chiếm sông Hồng làm nơi tập kết cát, lắp đặt cẩu trụ bốc dỡ ngay trên sông Hồng nhưng lại không có động thái quyết liệt gì để xử lý ngoài xử phạt… 5 triệu đồng.

Vô tư đổ phế thải chiếm sông, xây cẩu hàng hóa

Từ đầu tháng 11-2021, nhiều người dân trên địa bàn thôn Phù Thượng, xã Thắng Lợi, Huyện Văn Giang, Hưng Yên đã phản ánh về tình trạng bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ trên địa bàn thôn (bến hàng hóa Thắng Lợi 4) đã rầm rộ đổ phế thải xây dựng như gạch đá, vôi vữa xuống sông Hồng để lấn chiếm, mở rộng khu vực bến bãi.

Cùng với đó, HTX Vôi Dân Chủ còn xây dựng nhà điều hành ngay trên bến bãi, lắp đặt thêm một cẩu trụ để bốc dỡ hàng hóa mà không xin phép và không được bất kỳ cơ quan chức năng nào đồng ý, cấp phép. Trong khi đó, bình thường, người dân chỉ khoan một cái giếng nhỏ để lấy nước phục vụ tưới cây cảnh, hoa màu thì đã bị lực lượng chức năng đến lập biên bản vi phạm, đình chỉ và xử phạt.

Theo tìm hiểu, HTX Vôi Dân Chủ được Sở GTVT Hưng Yên cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa từ ngày 6/1/2020 đến 6/1/2025 trên diện tích đất 2.963m2, đây cũng là diện tích đất mà HTX Vôi Dân Chủ được tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000. Giấy phép cũng nêu rõ, bến gồm 1 mố cẩu bằng bê tông cốt thép.

Bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ bỗng nhiên “sống lại” rồi rầm rộ vi phạm đổ phế thải lấn chiếm sông Hồng, xây trụ cẩu trái phép bốc dỡ hàng hóa

Bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ bỗng nhiên “sống lại” rồi rầm rộ vi phạm đổ phế thải lấn chiếm sông Hồng, xây trụ cẩu trái phép bốc dỡ hàng hóa

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên vào những ngày cuối tháng 12/2021 cho thấy, khu vực bến hàng hóa Thắng Lợi 4 của HTX Vôi Dân Chủ đã đổ thải mở rộng bến ra sông Hồng và xây dựng thêm 1 cẩu trục nữa để tiện cho việc bốc xếp nguyên vật liệu xây dựng.

Ông Đặng Văn Trận, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi thừa nhận, thời gian qua HTX Vôi Dân Chủ đã có một số vi phạm tại khu vực bến thủy nội địa Thắng Lợi 4.

“Qua kiểm tra UBND xã phát hiện Hợp tác xã Vôi Dân Chủ đã có hành vi đổ phế thải là gạch vỡ ra bờ sông Hồng thuộc phạm vi khu đất đã được UBND tỉnh giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh”.

Đến nay, phần trụ cẩu xây vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức cơ quan chức năng

Đến nay, phần trụ cẩu xây vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức cơ quan chức năng

Xử phạt mà không yêu cầu khắc phục?

Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi thông tin thêm, HTX Vôi Dân Chủ còn đổ phế thải xây dựng ra phần đất thuộc phạm vi bảo vệ sông với tổng diện tích là 1.120m2. Phần đất này không thể hiện trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND tỉnh Hưng Yên cấp cho HTX Vôi Dân Chủ, hợp tác xã chưa được cấp phép sử dụng. Ngoài ra, đơn vị này còn tiến hành xây dựng mố cẩu khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, tự ý thay đổi kết cấu của bến thủy nội địa so với quy định tại Giấy phép hoạt động.

Ông Đặng Văn Trận - Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi cho biết: “Khi phát hiện hành vi vi phạm, UBND xã đã mời ông Hoàng Văn Kính - Giám đốc Hợp tác xã Vôi Dân Chủ lên làm việc, yêu cầu dừng ngay việc xây dựng mố cẩu và đổ phế thải ra bờ sông. Việc đổ phế thải trong phạm vi bảo vệ đê điều ở bãi sông, lòng sông đã vi phạm quy định Luật Đê điều năm 2006. UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Hợp tác xã Vôi Dân Chủ số tiền 5.000.000 đồng”.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm lập biên bản đầu tháng 11/2021 và nhiều lần thúc giục khắc phục vi phạm thì phải đến những ngày cuối tháng 12/2021, HTX Vôi Dân Chủ mới giải tỏa lượng phế thải đã đổ ra sông Hồng.

Còn về vi phạm tự ý xây dựng mố cẩu mới khi chưa được cấp phép thì lãnh đạo xã Thắng Lợi cho biết, nằm ngoài phạm vi quản lý, xử lý của chính quyền địa phương.

Ông Trận thông tin thêm, bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ rất nhiều năm qua không hoạt động, gần như phá sản và chỉ để trồng chuối. Nhưng vài tháng trở lại đây, khoảng từ tháng 10/2021 bắt đầu ghi nhận hoạt động trở lại của việc bơm hút cát, tập kết cát và vận chuyển nguyên vật liệu.

Còn với hành vi xây dựng nhà điều hành khi chưa được cơ quan chức năng cho phép thì ông Trận lý giải, việc này HTX Vôi Dân Chủ sai nhưng lực lượng chức năng của xã cũng khó xử lý mà thẩm quyền thuộc về Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên.

Được biết, ngày 19/11/2021, ông Nguyễn Hồng Sơn, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên đã có quyết định xử phạt HTX Vôi Dân Chủ 5 triệu đồng do có hành vi tự ý thay đổi kết cấu của bến thủy nội địa.

Song, điều mà dư luận đặt ra và quan tâm là ở quyết định xử phạt này, với biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung thì Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên lại không đưa ra. Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đã làm hết trách nhiệm với vi phạm này. Còn lại, muốn thu hồi Giấy phép hay “đóng bến hàng hóa” này thì “bên nào cấp phép bên ấy thu hồi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT Hưng Yên lại cho rằng, Sở chỉ có chức năng ra văn bản, nhắc nhở các cơ quan liên quan và chính quyền sở tại kiểm tra vi phạm và xử lý, còn Sở GTVT Hưng Yên không thể thu hồi Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ.

“Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên khi xử phạt vi phạm không gửi thông báo về Sở GTVT và cũng không có đề nghị phối hợp để xử lý triệt để vi phạm. Chúng tôi cũng không thể kiểm tra, xử phạt được nữa do Cảng vụ đường thủy Hưng Yên đã xử phạt rồi?!”- ông Đoàn lý giải.

Hợp thức hóa vi phạm?

Theo tìm hiểu, ngày 26/10/2021, HTX Vôi Dân Chủ do ông Hoàng Văn Kính, Chủ nhiệm HTX xã đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Eco KingLand do ông Nguyễn Trọng Phương làm Giám đốc.

Theo hợp đồng này, HTX Vôi Dân Chủ cho phép Công ty Eco KingLand xây dựng 2 mố cẩu trên phạm vi, khu vực mà HTX Vôi Dân Chủ đã được các cơ quan Nhà nước cấp phép để phục vụ việc bốc xúc nguyên vật liệu xây dựng và tôn tạo, gia cố bờ giáp sông để chống sạt lở, xói mòn đất xuống sông; đưa các thiết bị máy móc đến mặt bằng phục vụ hoạt động kinh doanh; xây dựng nhà điều hành và các công trình phục vụ việc kinh doanh của hai bên…

Đáng chú ý, dù Giấy phép hoạt động Bến thủy nội địa của HTX Vôi Dân Chủ chỉ có thời hạn đến năm 2025 nhưng Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký giữa Hợp tác xã với Công ty Eco KingLand lại có thời hạn lên tới 10 năm.

HTX Vôi Dân Chủ cũng tự ý cho phép Công ty Eco KingLand được hoạt động sai quy định tại bến thủy nội địa này khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Một sự việc vi phạm đã rõ mười mươi, nhưng cơ quan chức năng từ Sở GTVT Hưng Yên đến các đơn vị liên quan như Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên, chính quyền sở tại huyện Văn Giang, xã Thắng Lợi vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Đáng nói, đến ngày 10/12/2021, HTX Vôi Dân Chủ đã có đơn gửi Cảng vụ đường thủy nội địa Hưng Yên, Sở GTVT Hưng Yên xin sửa chữa, cải tạo bến thủy Thắng Lợi 4 với các nội dung như xây nhà điều hành, bổ sung điểm bốc dỡ hàng hóa…

Ngạc nhiên hơn, Sở GTVT Hưng Yên cũng có văn bản ngày 27/12 gửi Cảng vụ đường thủy nội địa lấy ý kiến để có cơ sở cho phép HTX Vôi Dân Chủ sửa chữa bến? Như vậy có phải là hợp thức hóa cho vi phạm?

An ninh Thủ đô sẽ thông tin tiếp về việc này.