Vạch mặt chiêu trò của các chủ nhà trọ

ANTĐ -Là nơi tập trung đông dân cư, trong đó có nhiều người ngoại tỉnh đang học tập, làm việc, Hà Nội là “miền đất hứa” cho những người kinh doanh nhà trọ. Thế nhưng, việc buông lỏng quản lý hay quản lý thiếu hiệu quả loại hình kinh doanh này khiến những “thượng đế” ở trọ thực sự méo mặt với muôn chiêu thu tiền và thiếu trách nhiệm của giới chủ nhà.

Thu lãi lớn nhờ…điện, nước

Sở hữu khu nhà trọ gồm 13 phòng, chú M (Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) dễ khiến những ai có nhu cầu hỏi thuê…xiêu lòng.

Bởi ngoài việc khá dễ dãi cho phép mặc cả lúc đầu, chú M còn đưa ra mức giá điện, nước thấp hơn so với mặt bằng giá dịch vụ phòng trọ nói chung, như giá điện là 3.500 đồng/số (so với 4.000 đồng/số phổ biến), giá nước là 60.000 đồng/người/tháng (so với 75.000 đồng/người/tháng nơi khác).

Bạn Bích, người thuê phòng tại khu của chú M, chia sẻ: “Khi mới tới nơi xem phòng, dù cảm giác chưa ưng ý vì lối xây tiết kiệm, mái thấp, lớp chống nóng qua loa, tường mỏng, nhưng mình vẫn quyết định thuê vì mặc cả được giá khá hấp dẫn, từ 1,3 triệu đồng/tháng theo lời ra giá xuống còn 1,1 triệu đồng/tháng. Giá điện, nước cũng hấp dẫn hơn các nơi khác”.

Nhưng khi về ở một thời gian, Bích mới thực sự phát hoảng trước “chiêu” thu phí của chủ khu nhà trọ này.

Đó là cách bố trí công tơ đo điện…đặc biệt, khi không gắn ở phía trên từng phòng.

Các công tơ đều được lắp tập trung ở một vị trí tại nhà chủ rồi dẫn điện lên các phòng, do vậy, người thuê sẽ không thể theo dõi được số điện tiêu thụ hàng tháng, điều mà Bích hay những người ở khu này không để ý tới.

Vậy là tiền điện hàng tháng của mỗi phòng cứ tăng dần, ban đầu từ 150.000 đồng/tháng rồi tới 200.000 đồng, 300.000 đồng và sau một năm, tiền điện lên tới 450.000 đồng/tháng, trong khi mức tiêu thụ không tăng nhiều.

Thậm chí, có người thuê phòng đi cả ngày, nấu ăn bằng bếp gas, điện chỉ dùng để thắp mấy bóng đèn tiết kiệm điện, tủ lạnh mini, nồi cơm điện mà giá điện hàng tháng bị thu tới gần nửa triệu đồng, cứ tháng sau lại nhích lên so với tháng trước.

Khi thắc mắc với chú M, bạn Bích nhận được câu trả lời: “Tôi xem chính xác rồi, còn không tin thì cô cứ lên mà nhìn công tơ”.

Khu nhà trọ ở Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội

Thế nhưng “khu công tơ được đặt tít trên cao, mà lại ở nhà chủ, họ dùng thủ thuật gian lận thì khó gì, có nhìn cũng chẳng thế chứng minh họ gian lận. Nếu tự lắp công tơ riêng ở phòng mình để đối chiếu thì khó mà sống tiếp được ở đó. Cuối cùng, mình quyết định chuyển chỗ trọ, vì thà rằng quy ra tiền phòng cho rõ ràng, đừng hạ giá kiểu câu khách rồi lại tính gian lận, rồi người chịu thiệt vẫn là khách thuê, còn chủ trọ thì thu bộn tiền, dù họ chẳng hề sản xuất ra điện”, bạn Bích thở dài.

Không chỉ dùng chiêu trò trong việc tính giá điện (mà thậm chí những nơi lắp công tơ ở ngay trước mỗi cửa phòng trọ cũng có thể dùng thủ thuật gian lận), có những chủ nhà trọ còn dùng chính sách “quái chiêu” để thu tiền nước lợi cho mình nhất.

Khu nhà trọ của bà T (Quan Nhân, Hà Nội) có tới 14 phòng, trong đó cách tính lượng nước tiêu thụ khiến nhiều người thuê tại đây phải bức xúc.

Theo bà T thì mặc dù mỗi phòng đều được lắp đồng hồ nước riêng nhưng…“chúng nó gian dối, vì tổng số m3 nước tiêu thụ hàng tháng theo thống kê của “đồng hồ nhà nước” toàn cao hơn so với tổng m3 tính chung từ các đồng hồ ở từng phòng”.

Vậy nên bà T áp đặt chính sách không dùng đồng hồ riêng nữa mà chia trung bình, “bổ đầu” cho từng người. Tức là cứ lấy tổng số m3 nước hàng tháng theo hóa đơn rồi chia cho lượng người thuê phòng. Tất nhiên, hóa đơn và cách chia thì bà T nắm, hàng tháng bà cứ gõ cửa từng phòng để thu tiền.

Cách tính này lập tức thể hiện sự bất cập, vì ngoài việc khách thuê khó lòng đòi xem hóa đơn nước để đối chiếu (dễ gây mất tình cảm với chủ trọ) thì ai cũng nhận thấy là chia trung bình, dùng càng nhiều sẽ…càng lợi, dùng càng ít thì càng thiệt, vì cuối cùng tất cả đều bị “bổ đầu” và đóng một khoản tiền như nhau.

“Tính nước như thế, nhà chủ tha hồ dùng thoải mái vì họ dùng bồn tắm, máy giặt mới tiêu tốn nước, bọn mình đi thuê trọ, chỉ toàn là nhu cầu tối thiểu. Chưa kể, nếu hộ thuê trọ nào thiếu ý thức thì cũng mệt, họ cứ dùng thật nhiều vì nghĩ đằng nào cũng chia đều, trong khi người tiết kiệm thì gánh đủ. Đã ở đây lâu dài thì ai lại đi ăn gian vài số nước có giá mấy chục bạc làm gì, chứ “bổ đầu” mới phi lý, dôi ra biết bao nhiêu mà lần”, một bạn sinh viên thuê trọ ở khu nhà bà T than.

“Bắt vạ” tiền nhà và “hào phóng” chuyện gửi xe

Bên cạnh những chiêu trò bội thu tiền điện, tiền nước, các chủ nhà trọ còn tận thu bằng việc “bắt vạ” tiền nhà. Đó là quy định người thuê phải báo trước 10-15 ngày hay thậm chí 1 tháng trước khi chuyển đi nơi khác, với lý do để chủ nhà thông báo sớm, tìm người thuê mới kịp lấp vào phòng trống.

Quy định này giúp mang lại cho giới kinh doanh nhà trọ khoản “bắt vạ” không nhỏ, bởi thông thường, người thuê phải tìm được một nơi chắc chắn thì mới thông báo, và khi đó có thể đã sang tháng mới (bị mất tiền nhà nguyên tháng) hoặc gần tới cuối tháng hiện tại.

Bạn Bích, người thuê trọ tại khu nhà chú M kể trên, bày tỏ: “Vì quy định nói ngay từ đầu rồi nên bọn mình buộc phải nộp phạt. Vừa rồi, mình cố gắng tìm nơi trọ mới, và khi chắc chắn thì cũng đã là ngày 26. Khi thông báo, mình bị chủ trọ yêu cầu nộp phạt nguyên 1 tháng tiền nhà là 1,1 triệu đồng, nhưng mình phản đối, vì lúc đầu, họ nói rằng chỉ cần báo trước 15 ngày. Thế là họ cũng phải chấp nhận, trong khi những người khác không nhớ rõ thì sẽ bị lập lờ và phải nộp phạt cả tháng đấy. Trừ đi 5 ngày tháng này, mình bị phạt 10 ngày của tháng sau, là 400.000 đồng. Chủ nhà trọ nói rằng nếu trong 10 ngày đó mà có người thuê nhà thì mình sẽ được trả tiền, nhưng không phải trả cả 400.000 đồng mà trả những ngày còn lại, ứng với 40.000 đồng mỗi ngày. Coi như là mất, vì 10 ngày thì lấy đâu ra người thuê ngay, và mình cũng không kiểm soát được”.

Chắc tay là thế, nhưng hầu như chủ khu trọ nào cũng tỏ ra hào phóng với việc…trông xe.

Họ luôn khẳng định chắc nịch “có chỗ để xe máy, không thu phí” như một kiểu khuyến mãi cho dịch vụ của mình.

Thế nhưng, trên thực tế, đây là cách để các chủ nhà trọ không bị ràng buộc trách nhiệm nếu xảy ra mất trộm tài sản đáng giá của những người đi thuê nhà.

“Nếu thu phí trông xe thì chủ nhà phải có trách nhiệm, phải có vé và có người ở nhà thường xuyên. Do vậy, họ chẳng ham khoản này, nên để người thuê…tự xử, cứ dắt xe vào thôi. Để trong sân nhà chủ thì chột dạ lắm, nói dại, mất thì phải tự chịu. Không thể khóa xe mình vì còn xe phía trong nữa, thành ra nếu cẩn thận thì bọn mình lại mất thêm một khoản tiền gửi xe bên ngoài nữa”, Thành – một nam sinh viên thuê trọ giãi bày.

“Quy định áp cho chủ trọ chẳng khác gì chuyện…cấm hút thuốc lá nơi công cộng”?

Việc các chủ nhà trọ ở Hà Nội bội thu tiền điện, tiền nước và các khoản dịch vụ khác thì ai cũng biết nếu từng một lần đặt chân đến nhà trọ, nhưng các cấp quản lý dường như lại…không biết?

Tất nhiên, cơ sở để xử lý cũng không dễ dàng, bởi hầu như các chủ trọ và khách thuê đều thỏa thuận bằng miệng, chủ trọ không dại dột liệt kê mức giá dịch vụ của mình trong bản hợp đồng giấy trắng mực đen.

Nói cụ thể như chuyện tính giá điện, với mức 3.500 đồng – 4.000 đồng/số đang được thu phổ biến thì chủ nhà trọ không chỉ được bù cho lượng điện sử dụng của cả hộ gia đình mình mà thậm chí còn…lãi to.

Trong khi đó, Nghị định 134/2013/NĐ-CP đã nêu rõ, kể từ ngày 1/12/2013, chủ nhà trọ sẽ bị phạt từ 7 triệu đến 10 triệu đồng nếu thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ sinh hoạt.

Theo quy định về giá điện hiện nay, đối với một hộ gia đình thông thường, nếu chỉ sử dụng ít hơn hoặc bằng 100 số/tháng, giá điện sẽ là 1.418 đồng/số. Từ 101 – 150 số, giá điện là 1.622 đồng/số. Sử dụng trên 400 số sẽ có giá gần 2.500 đồng/số.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà trọ, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Như vậy, cứ 4 người thuê trọ lại được áp dụng cách tính giá điện đối với một hộ gia đình như trên. Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú.

Thế nhưng…“ai dám đứng ra cự cãi hay tố cáo chủ nhà đây? Nếu đã làm lớn chuyện như vậy thì cũng dọn đi chỗ khác sớm. Mà chỗ nào họ cũng thu tiền như vậy, bọn mình biết kêu ai. Quy định như vậy chẳng khác gì chuyện cấm hút thuốc lá nơi công cộng, lệnh thì đã có rồi mà người vi phạm thì vẫn nhan nhản và chẳng có ai xử phạt mạnh tay cả”, bạn Bích tâm sự khi cầm túi đồ đưa lên chiếc xe ba gác, chuẩn bị một cuộc sống ở nơi trọ mới với hy vọng đỡ bị “chặt chém” hơn.