"Vạch mặt" bản chất NATO triển khai quân đông đảo tới Đông Âu

ANTĐ - Trong bối cảnh NATO đang tích cực xây dựng đội quân thường trực đông đảo nhất tại Đông Âu kể từ khi kết thúc thế kỷ 20, nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế Mark Sleboda đã đưa ra những quan điểm về nỗ lực tăng quân của phương Tây thời “Chiến tranh Lạnh mới”.

“Bốn nghìn quân không phải là mối đe dọa quân sự đối với Nga trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông Sleboda bày tỏ, khi đề cập tới kế hoạch NATO triển khai 4 tiểu đoàn mới tới khu vực Baltic và Ba Lan.

“Ý nghĩa của việc dàn quân đó, thực chất là chỉ là xây dựng lực lượng báo động sớm và ngăn chặn bị phủ đầu mà thôi. Họ có ý định là, trong trường hợp có nguyên nhân đặc biệt khó tin nào đó, mà Nga quyết định xâm chiếm các nước vùng Baltic, thì quân Nga sẽ buộc phải hạ sát lính NATO. Khi đó, liên quân NATO sẽ buộc phải đáp trả. Do vậy, có thể hiểu động thái triển khai quân hiện nay của NATO là xây dựng những tấm lá chắn sống ở Baltic”, chuyên gia Sleboda phân tích.

Việc NATO triển khai quân "đông chưa từng có" tới sát biên giới Nga đang gây ra nhiều tranh cãi

Vị chuyên gia nói trên cũng cho biết thêm: “Nhưng từ khi Nga không có ý định ‘chiếm’ Baltic và Ba Lan, thì dường như những ý định đó của NATO không còn hữu dụng. Việc dàn quân dọc biên giới của Nga rõ ràng không thể giải thích gì hợp lý hơn là một sự khiêu khích, đó là cách nhìn của Moscow cũng như thế giới. Điều khiến Nga cực kỳ khó chịu với kế hoạch hiện nay của NATO, là lần đầu tiên cả lính Mỹ và Đức triển khai quân sát biên giới Nga. Một đạo quân thường trú – dù xét về quy mô không phải là quá lớn – lần đầu tiên xuất hiện như vậy kể từ sau Chiến tranh Thế giới II ở biên giới Nga”.

Chưa hết, chuyên gia Sleboda còn chỉ ra kế hoạch nói trên của NATO đã vi phạm thỏa thuận “không đóng quân thường trực ở Đông Âu” mà tổ chức này từng ký với Nga.

“Hồi năm 1997, NATO và Nga đã từng ký cam kết để trở thành Hội đồng NATO-Nga, trong đó NATO từng hứa sẽ không triển khai quân chiến đấu thường trực ở các quốc gia thành viên phía Đông Âu”.

Ông Sleboda cũng vạch rõ những nguyên nhân gây tranh cãi giữa NATO và Nga về kế hoạch dàn quân.

“NATO lật ngược lời hứa của mình vì cho rằng Nga đã can dự vào tình hình Ukraine? Không chính xác, nếu như chúng ta biết rằng các quốc gia NATO khởi đầu cuộc xung đột bằng việc chống lưng cho cuộc đảo chính tại đất nước Đông Âu này, và sau đó nã bom xuống các thành phố, để buộc người dân phải chấp nhận chế độ mới ở Kiev”, chuyên gia Sleboda phân tích. “Và còn một yếu tố khác rất quan trọng để NATO kiên quyết đưa quân sát biên giới Nga. Đó là vấn đề lợi nhuận mà các công ty quốc phòng phương Tây nhận được, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ. Với kế hoạch đó, Mỹ đã thúc đẩy nhiều đồng minh NATO sử dụng tổ hợp công nghiệp quân sự của họ. Thiết bị của Mỹ, nhà sản xuất của Mỹ. Kế hoạch này mang lại lợi nhuận khổng lồ!”