“Ung nhọt” thời hiện đại

ANTĐ - Chế độ nô lệ đã cáo chung từ hàng trăm năm trước song tàn dư của nó vẫn len lỏi cho tới hôm nay như  một thứ “ung nhọt” nhức nhối trong xã hội hiện đại của thế kỷ 21.

Những hình ảnh trẻ em phải lao động cực nhọc như nô lệ thời hiện đại này không phải hiếm 
ở nhiều quốc gia đang phát triển

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ (2-12), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải tăng cường phối hợp hành động để xóa bỏ chế độ nô lệ tàn ác dưới mọi hình thức. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, điều sống còn là thế giới phải coi trọng đặc biệt đối với việc chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại cũng như các hình thức nô lệ mà các nhóm người nghèo nhất, bị tách biệt ra khỏi xã hội đang phải gánh chịu.

Mặc dù đã có những tiến triển quan trọng trong năm qua, với những đạo luật mạnh mẽ hơn và sự phối hợp quy mô hơn của nhiều quốc gia để xóa bỏ chế độ nô lệ, song thế giới hiện vẫn có tới 21 triệu phụ nữ, đàn ông và trẻ em đang phải làm nô lệ, trong đó phụ nữ chiếm hơn 50%. Theo LHQ, đã 86 năm trôi qua kể từ khi Công ước quốc tế về chống nô lệ có hiệu lực, nhân loại vẫn tiếp tục chứng kiến những biến tướng hiện đại của chế độ nô lệ dưới các hình thức cưỡng bức lao động, phân biệt chủng tộc, buôn bán phụ nữ, bóc lột tình dục, hôn nhân cưỡng bức, lao động trẻ em, cưỡng bức trẻ em vào lính trong các cuộc xung đột vũ trang...

Giám đốc Chương trình hành động đặc biệt của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về cưỡng bức lao động Beate Andrees cho biết, hiện tại cứ 1.000 người trên thế giới thì có tới 3 người phải chịu tình cảnh cưỡng bức lao động. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương có số người bị cưỡng bức lao động lớn nhất với 11,7 triệu người (chiếm 57%  tổng số người bị cưỡng bức lao động toàn cầu), tiếp sau là châu Phi với 3,7 triệu người (18%) và Mỹ Latinh đứng thứ 3 với 1,8 triệu người (9%). 

Số người bị cưỡng bức lao động thấp nhất ở các nền kinh tế phát triển và Liên minh châu Âu (EU) với 1,5 triệu người, chiếm 7%. Dù vẫn được xem là những quốc gia phát triển và văn minh nhất thế giới, nhưng ở các nước này vẫn có không ít “nô lệ hiện đại” như trường hợp phát hiện 3 phụ nữ bị giam cầm làm nô lệ trong suốt 30 năm ở Thủ đô London, làm chấn động cả nước Anh.

LHQ cho rằng, với nguồn lợi nhuận khổng lồ 32 tỷ USD mỗi năm, nạn buôn người có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn với khoảng 2,4 triệu nạn nhân mỗi năm và trở thành thảm họa nhân đạo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia nhận định rằng, hoạt động buôn bán nô lệ đang tạo nên một thế giới ngầm không thể kiểm soát, với quy mô và mức độ ngày càng lớn, trong đó 18,7 triệu người, chiếm 90% số người bị cưỡng bức lao động là ở khu vực kinh tế tư nhân, trong đó 4,5 triệu người, chiếm 22%, là nạn nhân bị khai thác tình dục; 14,2 triệu người, chiếm 68%, là nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp và các công việc trong nhà. 

Để xóa bỏ thứ “ung nhọt” trong thế giới hiện đại, Tổng thư ký Ban Ki-moon thúc giục các quốc gia thành viên khẩn trương phê chuẩn Hiệp ước bổ sung về Xóa bỏ Nô lệ (SCAS), cùng với đó phải tiếp tục đưa ra các đạo luật hiệu quả hơn cũng như có các hành động thực tế mạnh mẽ hơn.