Ùn tắc kéo dài vì các đại công trường

ANTĐ - Một số tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố những ngày qua rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài dù ngành giao thông đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục. Nguyên nhân chính do đường hẹp, lưu lượng phương tiện quá đông, lại phải nhường lối cho các công trình lớn đang thi công.

Ùn tắc kéo dài vì các đại công trường ảnh 1Ùn tắc nghiêm trọng trên tuyến đường Nguyễn Trãi theo chiều từ Hà Đông vào nội đô
Ảnh: Phú Khánh

Tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố những ngày qua bỗng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn qua nút giao Thanh Xuân, vào giờ cao điểm sáng, người dân phải chen chân, nhích từng mét để đến cơ quan.

Di chuyển 8km mất 1h15 phút

Giờ cao điểm sáng, tuyến đường Nguyễn Trãi, theo chiều từ Hà Đông vào trung tâm TP thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Xe máy, ô tô, xe buýt nối đuôi nhau, xếp hàng dài hàng kilomet. Để kịp giờ đưa con đi học, đến cơ quan, không ít người đã phải chen lên vỉa hè để di chuyển. Đặc biệt vào những ngày trời mưa, tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng. Dù lực lượng CSGT thường xuyên ứng trực, phân luồng, nhưng do lưu lượng phương tiện trên tuyến quá đông cùng với việc xây dựng công trình nên tình trạng tắc nghẽn tái diễn hàng ngày.

Anh Nguyễn Bảo Châu, nhà ở phố Tô Hiệu, Hà Đông bức xúc: “Có những sáng, tôi đi từ nhà tới cơ quan trên phố Hai Bà Trưng, quãng đường chỉ khoảng 8km  nhưng mất đến hơn 1 giờ đồng hồ. Không biết bao giờ mới thoát cảnh chen nhau mà đi như thế này”. Tương tự, chị Lê Thị Ngọc Ánh ở Khu đô thị Xa La (Hà Đông) cho hay: “7h sáng tôi đưa con đi học nhưng không ít lần chỉ chen lên được đến đoạn Nguyễn Trãi giao với Phùng Khoang rồi phải gửi xe, bế con đi bộ vì không thể di chuyển được. Có hôm phải 8h40 mới đưa được con đến trường học ở phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân”.

Hiện nay, tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy cũng ùn tắc do thi công đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội. Đại diện Sở GTVT cho hay, ngay khi cấp phép cho các đơn vị thi công dự án đường sắt đô thị rào đường, Sở đã lên phương án phân luồng, điều tiết giao thông từ xa, đồng thời, lực lượng CSGT cũng đã tăng cường điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt nhưng do lưu lượng phương tiện trên tuyến quá lớn, khó tránh khỏi ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ùn tắc kéo dài vì các đại công trường ảnh 2Ùn tắc vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi (ảnh chụp lúc 17h30 chiều 6-8)
Ảnh: Thuần Thư

 

Cố gắng tìm giải pháp tối ưu

Ông Lê Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải rào chắn đường nhằm đảm bảo an toàn sau một số sự cố mất an toàn lao động. “Việc rào chắn là để người dân không lưu thông phía dưới khu vực thi công. Hai bên làn đường ở khu vực nhà ga Đại học Quốc gia đã mở rộng 8m, khu vực nhà ga Thanh Xuân cũng mở rộng tới 11m nên không tránh khỏi việc ùn tắc vào giờ cao điểm, đặc biệt tại nút giao Thanh Xuân do đang thi công 2 dự án lớn (hầm chui Thanh Xuân và nhà ga đường sắt trên cao Thanh Xuân)”, ông Lê Văn Dương thừa nhận.

Ban QLDA cùng đơn vị thi công đã tính toán, thay đổi phương án thi công như dịch hệ đà giáo vào trong 2m để mở rộng thêm lòng đường (chiều từ Hà Đông ra Ngã Tư Sở). Ngoài ra, Ban QLDA còn phối hợp với Sở GTVT thảm lại phần hè mở rộng để mặt đường êm thuận hơn. “Vào giờ cao điểm, tại các điểm thi công nhà ga đường sắt trên cao, nhà thầu phụ đều cử người hỗ trợ các lực lượng chức năng phân làn, điều tiết giao thông”, ông Lê Văn Dương thông tin. 

Ông Hoàng Năng Tuân, Giám đốc Ban điều hành dự án hầm chui Thanh Xuân (Cienco 4) cho biết, tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng trên tuyến Nguyễn Trãi, đặc biệt đoạn qua nút giao Thanh Xuân là do những ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài, mặt đường nhiều chỗ đọng nước nên đã thu hẹp diện tích lưu thông. Hơn nữa, tại khu vực này đang đồng thời triển khai 2 công trình lớn nên việc sử dụng lòng đường để thi công là khó tránh khỏi. “Chúng tôi đã xẻ rãnh để giúp thoát nước những chỗ trũng, một số chướng ngại vật ở vỉa hè cũng được thu dọn. Trong vài ngày tới, sẽ thảm lại phần vỉa hè mở rộng để tạo độ bằng phẳng, êm thuận cho phương tiện”, ông Hoàng Năng Tuân cho biết. 

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, tại nút giao Thanh Xuân, Sở GTVT đã tổ chức phân luồng tại chỗ, xén hè và cho phép lái xe rẽ phải tại 4 góc nút Thanh Xuân. Đồng thời, mở thêm 2 điểm quay đầu xe, mỗi điểm rộng 16m tại đường Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến; xén dải phân cách giữa trên đường Nguyễn Trãi dài 50m để tăng bề rộng mặt đường cho các phương tiện lưu thông. Sở cũng đã tổ chức phân luồng giao thông từ xa, điều chỉnh lại thời gian dừng chờ theo tín hiệu đèn, tăng thời gian di chuyển của các phương tiện theo hướng Trần Phú - Ngã Tư Sở vào buổi sáng, hướng ngược lại tăng về chiều…

Lãnh đạo Sở GTVT thông tin: “Đường hẹp, lưu lượng phương tiện quá đông nhưng cũng không thể dừng thi công vì đều là những dự án, công trình lớn. Sở GTVT sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan tìm phương án khắc phục tối ưu nhất”. Ông Lê Văn Dương cho biết: “Ban QLDA Đường sắt rất mong người dân Thủ đô hiểu và thông cảm với chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công, vì đây là việc bất khả kháng”. Theo tiến độ, nhà ga đường sắt trên cao Thanh Xuân sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, còn tiến độ hầm chui Thanh Xuân hiện đang phụ thuộc vào việc bàn giao mặt bằng của Ban QLDA Đường sắt.