Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT giảm: Tín hiệu đáng mừng

ANTĐ - Trượt tốt nghiệp là điều không ai mong muốn nhưng rõ ràng những con số này đã phản ánh đúng thực chất chất lượng người học thay vì đỗ theo kiểu “đổ đồng”.

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm nhưng chưa phải là điều đáng buồn

Việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT giảm ở phần lớn các tỉnh, thành đang được phân tích ở góc độ tích cực khi cho rằng các quy chế ràng buộc mới đã tăng được tính nghiêm túc của kỳ thi. Các năm trước, không thể không suy nghĩ khi mà hệ GDTX với đầu vào thấp nhưng đầu ra lại xấp xỉ 100%. 

Cả nước có hơn 40.000 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT

Con số thống kê sơ bộ từ Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước  có hơn 21.000 thí sinh hệ THPT trượt tốt nghiệp, trong tổng số hơn 850.000 em dự thi. Với hệ GDTX con số trượt tốt nghiệp tương tự: 20.000 thí sinh, trong khi tổng số thí sinh dự thi lại kém hệ THPT tới 9 lần (hệ GDTX có hơn 91.000 thí sinh dự thi). Thống kê ban đầu từ Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ    GD-ĐT từ 64 đơn vị trong cả nước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt 97,52%, giảm 1,45% so với năm trước. Cá biệt  hệ THPT có tỉnh giảm 14%. Đối với hệ GDTX đạt 78,08%, giảm 7,39%. Như vậy sau 5 năm liên tục tăng ở tỷ lệ tốt nghiệp thì năm nay, số thí sinh đỗ tốt nghiệp đã quay đầu giảm. Dù việc trượt tốt nghiệp là điều không ai mong muốn nhưng rõ ràng những con số này phải phản ánh đúng thực chất chất lượng người học thay vì đỗ theo kiểu “đổ đồng”.

Phân tích cụ thể hơn từ Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có khoảng 10 tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng nhẹ. Hệ THPT tăng nhiều nhất là 2% ; Hệ GDTX  có một số tỉnh tăng trên dưới 10%, nhưng chủ yếu là giảm. Tỷ lệ tốt nghiệp giảm tới 20-25% so với năm trước xảy ra với khá nhiều địa phương. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên giảm trên 63% so với năm trước ở hệ GDTX. Trong số 64 tỉnh, thành, địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 99,91%. Địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất thuộc khu vực miền núi phía Bắc đạt 94,19%.Cần Thơ là một trong những tỉnh có nhiều trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Tại địa phương này, có 24 trường trên tổng số 28 trường Trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp 100%.

“Công tác coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn”

Mặc dù theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đến thời điểm này vẫn chưa đủ dữ liệu để khẳng định kết quả thi phản ánh tính nghiêm túc của kỳ thi, tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đồng ý rằng năm nay “công tác coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn”. Phân tích về sự thay đổi của tỷ lệ tốt nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, tỷ lệ này của mỗi địa phương phụ thuộc vào trình độ của thí sinh trong từng năm, hiệu quả của việc tổ chức ôn tập, đề thi, công tác coi thi… Trước ý kiến cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp giảm, là tín hiệu đáng mừng vì kỳ thi đã được thắt chặt kỉ cương giúp hạn chế tiêu cực, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT  cùng các Sở, các trường sẽ phân tích kĩ càng hơn để rút kinh nghiệm toàn diện cho năm học sau từ việc dạy đến việc thi. “Nhưng có một điều xin được khẳng định lại là trong những năm gần đây, quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý tiêu cực để chấn chỉnh kỷ cương thi cử. Năm nay điều đó đã có tác động tốt hơn đối với các địa phương, do đó công tác coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh  Hưởng, khi kỳ thi được tổ chức nghiêm túc hơn thì có thể tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở một số nơi giảm mạnh.

Đánh giá về việc tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX giảm mạnh ở một số tỉnh, Vụ trưởng Vụ GDTX Bộ GD-ĐT Nguyễn Công Hinh cho rằng, tỷ lệ giảm hoàn toàn không phải là do chất lượng đi xuống mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo ông Nguyễn Công Hinh, việc quy định không cho phép trung tâm GDTX tổ chức riêng một hội đồng thi như trước cũng là một trong những biện pháp khiến việc tổ chức thi của hệ này nghiêm túc và bài bản hơn, chịu sự giám sát tốt hơn. Ông Nguyễn Công Hinh khẳng định: “Nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ này cao hơn THPT mới là bất thường”.

Trước thắc mắc, thực tế vẫn có không ít những trung tâm GDTX đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% trong khi chất lượng đầu vào của học sinh hệ này thấp hơn nhiều so với hệ THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, phải xem thực chất việc dạy học, tổ chức ôn tập và sự quan tâm chính đáng của các địa phương đối với các đơn vị giáo dục đó như thế nào. “Có những nơi tốt nghiệp 100% nhưng chỉ có một vài em đỗ loại khá, giỏi là do các đơn vị này có chất lượng dạy học không cao, đơn vị chỉ  tập trung ôn tập cho học sinh để đủ đạt yêu cầu tối thiểu” –  Thứ  trưởng lấy ví dụ.