Tỷ giá tăng “nóng” - người buồn, kẻ vui

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng biên độ điều chỉnh tỷ giá, nâng mạnh tỷ giá trung tâm và giá bán USD, tỷ giá trên thị trường “nóng” lên từng ngày. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tâm lý người dân.

Tìm điểm cân bằng mới cho tỷ giá

Đầu tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +3% lên +5% từ ngày 17-10. Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên của nhà điều hành sau 7 năm. Cùng với đó, NHNN cũng tăng mạnh tỷ giá và giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch. Tính đến cuối tuần qua, tỷ giá trung tâm niêm yết ở mức 23.688 VND/USD, tăng 147 đồng/USD tính từ thời điểm NHNN điều chỉnh biên độ. Giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN cũng tăng mạnh từ mức 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 đồng. Đây là lần thứ 5 trong năm 2022 NHNN thực hiện nâng giá bán USD và là lần thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Tựu trung từ đầu năm, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng 5,3%.

Tỷ giá USD tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ

Tỷ giá USD tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ

Theo các chuyên gia, việc NHNN tăng biên độ tỷ giá là cần thiết. TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, có 2 lý do khiến NHNN phải điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm. Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất với cường độ cao khiến hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD. Do đó, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Thứ hai, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn thì việc NHNN nới biên độ tỷ giá là điều cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn. “Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác cũng như trong bối cảnh FED và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất” - TS Võ Trí Thành nói.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng biện pháp như sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Tỷ giá tăng gây áp lực với các doanh nghiệp nhập khẩu bằng đồng USD

Tỷ giá tăng gây áp lực với các doanh nghiệp nhập khẩu bằng đồng USD

Kẻ buồn, người vui

Sau động thái của nhà điều hành, giá USD trên thị trường cũng tăng mạnh. Tính đến cuối tuần qua, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD mua vào ở mức 24.560 đồng/USD (tiền mặt)/24.590 đồng/USD (chuyển khoản) và bán ra 24.870 đồng USD. Như vậy, sau khi NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá thì tỷ giá tại Vietcombank đã tăng 670 đồng ở chiều mua vào, tăng 640 đồng ở chiều bán ra. Tính chung từ đầu năm, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng trên 7%. Điều này sẽ phần nào tác động đến kinh tế vĩ mô. TS Võ Trí Thành cho rằng, việc tiền đồng mất giá hơn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất. Nếu tiền VND mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là những đối tượng chịu nhiều tác động của tỷ giá nhất. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD, các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ bằng đồng USD lớn sẽ chịu tác động tiêu cực vì đồng tiền này tăng giá. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường thanh toán bằng đồng USD sẽ phần nào được hưởng lợi, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản (ít phải nhập khẩu nguyên liệu).

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay rất nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta phải nhập khẩu nguyên liệu để gia công rồi mới xuất khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp ngoài xuất khẩu sang Mỹ thì còn xuất khẩu sang một số thị trường đang có đồng tiền mất giá mạnh như châu Âu, Anh, Nhật Bản… Điều này còn chưa kể một số thị trường xuất khẩu chính của nước ta đang phải đối mặt với lạm phát cao, dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm nhập khẩu. Do đó, việc tăng tỷ giá hiện nay cũng không hẳn tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều như lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền VND, USD… “Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát” - TS Võ Trí Thành nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không nên nóng vội vì những thiệt hại trước mắt mà bỏ thị trường, đi tìm thị trường mới, điều này rất tốn kém công sức, thời gian và bị mất thị trường. Bởi việc tăng giá quá mạnh của đồng USD không thể giữ được mãi, vì chính nước Mỹ sẽ chịu thiệt hại khi đồng tiền của mình tăng quá cao.

Cẩn trọng tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng

Việc NHNN có những điều chỉnh rõ rệt đối với tỷ giá đã phần nào tác động đến tâm lý người dân. Không ít người dân với tâm lý kỳ vọng về sức mạnh đồng USD đã mua gom đồng tiền này khiến tỷ giá “nóng hầm hập” trên thị trường tự do. Đến cuối tuần, giá mua/bán USD tại thị trường này đã vọt lên 25.020 - 25.120 VND/USD, đây là mức cao nhất trong lịch sử giá đồng đô la Mỹ tại Việt Nam.

Trước thực tế này, mới đây, NHNN chi nhánh TP.HCM đã phải có văn bản gửi các ngân hàng trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, nhằm kiểm soát hoạt động của các đại lý chi trả ngoại tệ, để bảo đảm các đại lý hoạt động đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh. Các tổ chức tín dụng cần nâng cao nhận thức người dân trong việc mua bán và sử dụng ngoại tệ đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc mua bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép. Việc mua bán ngoại tệ tự do là sai phạm, không đúng quy định.