Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Không phải tất cả biển hiệu là "đồng phục"

ANTĐ - Ngày 13-5, ghi nhận thực tế tại tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, không phải tất cả các biển hiệu kinh doanh đều đồng màu xanh hoặc đỏ. Nhiều thương hiệu lớn với đầy đủ đặc trưng riêng vẫn hiện diện trên tuyến phố.

Dọc theo tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), người đi đường vẫn dễ thấy sự hiện diện của nhiều thương hiệu lớn như Vinmart, Bitis, Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội – SHB; Ngân hàng Quốc tế VIB... Biển hiệu của các đơn vị này đồng kích cỡ theo đúng quy định của Luật Quảng cáo nhưng màu sắc vẫn thể hiện đúng nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, không có chuyện “đồng sắc, đồng màu”.

Không chỉ có vậy, logo của một số thương hiệu nhỏ hơn như sơn Jotun, Thực phẩm sạch F5 Foods, Thiết bị nhà bếp Chefs... cũng hiện diện trên biển hiệu của nhiều cửa hàng nhỏ. Thậm chí, một quán cà phê có tên “Hệ thống cà phê rang xay Kenni” ở cuối phố còn được tùy thích chọn màu sắc và hình ảnh trên biển hiệu theo ý mình.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, bác Phạm Văn Hiền, chủ cửa hàng Bitis 208 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho biết: “Khi phường xin ý kiến về việc lắp đặt biển hiệu mới, chúng tôi được cung cấp tờ rơi để nắm đầy đủ thông tin, quy định pháp luật về quảng cáo cũng như kích cỡ, màu sắc, quy cách của biển hiệu mà sắp tới phường sẽ lắp đặt”.

Khẳng định không có chuyện chính quyền áp đặt dân phải chọn biển hiệu màu này hay màu kia, bác Phạm Văn Hiền nói: “Phường chỉ đề nghị chúng tôi chọn màu nền biển hiệu thôi, còn chi tiết trên đó thì thoải mái chứ có ai cấm cản đâu. Tôi bán giày dép cho hãng Bitis. Vì thế, tôi đề nghị phường để logo của hãng Bitis và một số đặc trưng để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu Bitis lên biển hiệu cửa hàng. Phường nghe vậy thì đồng ý ngay, không có ai ngăn cản hay buộc tôi phải thế này, thế kia. Tôi chỉ nêu ý kiến vậy thôi và họ tự làm hết, họ dán logo Bitis chứ tôi không phải đụng tay đụng chân...”.

“Anh đi dọc phố sẽ thấy, nhiều nhà còn chưa kịp đặt tên cửa hàng nên biển hiệu để trống, đã có gì đâu. Tôi nói ví dụ như bán giải khát hay đồ ăn, họ không có nhận diện thương hiệu hay yêu cầu gì cụ thể nên chỉ chọn màu nền biển hiệu với chữ trắng thôi. Tôi bán hàng cho Bitis, sản phẩm có thương hiệu thì tôi mới yêu cầu đặt logo. Tôi thấy cách làm như vậy là được, đồng đều, không thò ra thụt vào, lô nhô, mất mỹ quan như trước đây. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ việc này” - bác Phạm Văn Hiền nói.

    Nhiều thương hiệu lớn với đầy đủ đặc trưng vẫn hiện diện trên phố Lê Trọng Tấn

                                   Logo của các thương hiệu nhỏ cũng góp mặt