Tuyên chiến với hàng giả Trung Quốc

ANTĐ - Liên minh châu Âu (EU) đã “tuyên chiến” với hàng giả Trung Quốc khi chính thức phát động chiến dịch chống hàng giả có xuất xứ từ quốc gia được mệnh danh là “công xưởng” của cả thế giới này, đặc biệt là mặt hàng đồ chơi.

Ông Antonio Tajani giơ lên những đôi giày dép trẻ em Trung Quốc 

có hàm lượng Chrom cao gấp 6 lần mức cho phép

Chiến dịch trên đã được Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - phát động từ ngày 1-8 dưới hình thức của một cuộc vận động chống hàng giả, đặc biệt là đồ chơi mà phần lớn đến từ Trung Quốc. Tại lễ phát động ở trụ sở EU, ông Antonio Tajani - Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp - đã dẫn ra những mối nguy hại lớn của hàng giả Trung Quốc với người tiêu dùng châu Âu, nhất là trẻ em.

Theo người đứng đầu cơ quan về công nghiệp của EC, giày dép của trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư nếu có hàm lượng vượt quá 3mg.

Việc một thị trường tiêu dùng lớn như châu Âu phát động chiến dịch chống hàng giả Trung Quốc thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng đã được đề cập lâu nay trên khắp thế giới. Hàng giả của Trung Quốc nói riêng, hàng giả trên thế giới nói chung, đã thực sự trở thành vấn đề không thể xem nhẹ khi chúng không chỉ ngày càng “giống như thật” mà còn lan tràn ngày càng nhiều.

EC ước tính hiện có khoảng 500 tỷ euro hàng giả thuộc hầu hết các nhóm ngành hàng đang lưu hành trên thế giới. Nguy cơ được cảnh báo lớn nhất là những loại hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như quần áo, giày dép, các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày... thậm chí, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tân dược giả hiện đang chiếm tới 30% thị trường thuốc ở các nước đang phát triển. 

Cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ (CBP) cho biết, lực lượng chức năng của nước này trong năm 2011 đã phát hiện và bắt giữ 24.792 chuyến hàng giả và hàng “nhái” với tổng trị giá 1,1 tỷ USD nếu tính theo giá bán lẻ. Nguồn gốc loại hàng ‘nhái” và hàng giả này chủ yếu từ Trung Quốc.

Ảnh một em bé châu Âu đang chơi đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc

Theo ông Tajani, phần lớn đồ chơi bán tại các cửa hàng châu Âu có xuất xứ từ Trung Quốc và khoảng 58% mặt hàng ở châu Âu bị EU xếp vào diện nguy hiểm được sản xuất tại Trung Quốc. Cũng chính vì thế mà từ nhiều năm nay, giữa châu Âu và Trung Quốc đã không ít lần xảy ra tranh cãi, va chạm về thương mại do EU cáo buộc Trung Quốc đã không có những hành động cụ thể để đấu tranh chống hàng giả. 

Khi phát động chiến dịch chống hàng giả Trung Quốc tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ), ông Tajani cho biết EC sẽ đưa ra kế hoạch hành động cho giai đoạn 2013-2015 nhằm tăng cường kiểm soát các thị trường châu Âu. Không nói thẳng ra song ai cũng hiểu kế hoạch trên sẽ nhằm chủ yếu vào hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức nào về quyết định trên của EC. Song giới quan sát cho rằng rất có thể hành động mạnh tay này sẽ dẫn tới một cuộc chiến thương mại mới giữa châu Âu và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu toàn cầu đều bị thu hẹp do suy thoái kinh tế.