Những bảo vật quốc gia

Tượng hai người cõng nhau thổi khèn: Hài hòa trong vũ điệu cuộc sống hồn nhiên

ANTĐ - Trong số các nền văn hóa tiền Đông Sơn, người ta từng phát hiện một số bức tượng nhưng phải đến giai đoạn Đông Sơn tượng mới có bước nhảy vọt đáng kể. Tiêu biểu nhất phải kể đến là bức tượng hai người cõng nhau thổi khèn. 

Bức tượng được đánh giá là sinh động nhất trong những khối tượng đã được phát hiện từ trước đến nay. Tượng miêu tả hai người đầu chít khăn, y phục giản đơn. Khuyên tai nổi rõ. Mắt và miệng được diễn tả đến từng chi tiết nhỏ. Người cõng dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo tiếng khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng. Người được cõng ngồi vững chãi trên lưng đang say sưa thổi khèn. Cả nhạc công và vũ công như hòa nhập thành một thực thể thống nhất ăn ý, hài hòa.

Các nhà nghiên cứu đánh giá toàn khối tượng là một tổng thể xếp chồng với nhiều chi tiết khá phức tạp. Tượng có mảng đặc, mảng thủng nhưng vẫn liên kết với nhau một cách mạch lạc, tạo cho khối tượng vẻ cân đối, vững chắc. Giống như mỹ thuật thời Hùng Vương nói chung, bức tượng này có đề tài đều bắt nguồn từ cuộc sống con người. Bức tượng phản ánh vẻ duyên dáng, dịu dàng một sinh hoạt của cộng đồng. Trong sinh hoạt đó, con người rất hiền hòa và tương đương với một con người khác để tạo thành liên kết, cộng đồng. Các nhà khoa học khi nghiên cứu tượng hai người cõng nhau thổi khèn và nhiều tượng đồng cùng thời đã đi đến những nhận định cho rằng, khi miêu tả chính mình, người Đông Sơn thường thể hiện vô cùng sinh động, luôn gắn liền với các hoạt động sinh sống. Chúng luôn phản ánh bản chất cần cù say sưa trong lao động và gắn liền với tính tập thể (đi thuyền, đánh cá, giã gạo...), bản chất hồn hậu, lạc quan yêu đời, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống cộng đồng (hội hè múa hát tập thể...). Hiện nay bức tượng đồng đặc sắc này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.