Ngày hội Giáo dục Sức khỏe Hô hấp trẻ em năm 2016:

Tuân thủ điều trị sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các bệnh về hô hấp ở trẻ nhỏ

ANTD.VN - Viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam. Năm nay, hưởng ứng Ngày Viêm phổi thế giới 12-11-2016, Hội Hô Hấp thành phố Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Công ty Pfizer đã tổ chức Ngày hội Giáo dục Sức khỏe Hô hấp trẻ em năm 2016.

Các bà mẹ và trẻ em tới tham gia Ngày hội Giáo dục Sức khỏe Hô hấp trẻ em

Ngày hội Giáo dục Sức khỏe Hô hấp trẻ em năm 2016 đã góp phần thiết thực cung cấp kiến thức về chung về chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ.

Ngày hội có sự tham dự của PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc – Chủ tịch hội hô hấp TP.HCM, TS.BS Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM, PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi và các bác sĩ tư vấn đến từ BV Nhi đồng 1. Ngày hội thu hút hàng trăm ông bố bà mẹ có con nhỏ tham dự.

Tại ngày hội, hai báo cáo viên chính là PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng và TS.BS Trần Anh Tuấn đã cung cấp khách tham dự những thông tin cực kỳ bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ.

Các bác sĩ giải đáp thắc mắc

Bài trình bày của PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng đã giúp cho người nghe có được những hiểu biết cơ bản về cách nhận diện, phương pháp xử trí và chăm sóc đối với 18 bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa, viêm thanh quản, tay chân miệng…

Nếu các bậc cha mẹ thiếu quan tâm, không xử lý kịp thời các bệnh này có thể đưa đến những hậu quả nặng nề lên sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ, và  nguy hiểm hơn là gây tử vong.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc – Chủ tịch hội hô hấp TP.HCM phát biểu trao đổi

Thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các bậc cha mẹ trong hội thảo là vấn đề tuân thủ kháng sinh trong điều trị sẽ giúp quản lý tốt hơn các bệnh về hô hấp ở trẻ nhỏ. Các bệnh về đường hô hấp bao gồm viêm hô hấp trên như viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng; viêm hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Trong đó, viêm phổi (sưng phổi) là nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng và tử vong.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (2013), viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển: ước tính có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 35 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới và 99% là ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp.

TS.BS Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM phát biểu trao đổi

Trong bài trình bày của mình, TS.BS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, các bệnh viêm đường hô hấp rất thường gặp nhưng không vì thế mà được xem nhẹ. Thật vậy, có khoảng ¼ các trường hợp sẽ diễn tiến thành viêm phổi – một bệnh vẫn là thủ phạm hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện và vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Do vậy, các bà mẹ cần theo dõi kỹ và phát hiện sớm khi trẻ có các dấu hiệu như thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cùng các dấu hiệu bệnh nặng khác  như ngủ li bì – khó đánh thức, không uống được, bỏ bú,… trong đó thở nhanh chính là dấu hiệu nhạy cảm nhất, xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi.

Các bệnh về đường hô hấp tuy nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm các triệu chứng, các bác sĩ hoàn toàn có thể xử trí tốt. Đối với các  các bệnh đường hô hấp trên là viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng, thường do virút, nếu chăm sóc tốt đa số trẻ sẽ tự khỏi. Với các bệnh viêm hô hấp dưới do nhiễm khuẩn, có thể được điều trị bằng kháng sinh kết hợp với chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý.

TS.BS Trần Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất ở các bậc cha mẹ hiện nay là dùng kháng sinh tùy tiện như dùng toa cũ mua lại khi trẻ mắc bệnh ở lần sau, hoặc không cho trẻ uống đúng và đủ liều như bác sĩ chỉ định dẫn đến tình trạng bệnh của bé tái đi tái lại nhiều lần, lần bệnh sau nặng hơn lần bệnh trước.

Do đó, việc tuân thủ liệu trình điều trị là việc rất quan trọng mà các bậc cha mẹ tuân thủ. Vì lý do đặc biệt nào đó như bé đi học khó tuân thủ liệu trình, hay bé khó uống thuốc hoặc dễ nôn ói khi uống thuốc…thì cần chia sẻ với bác sĩ điều trị để tìm giải pháp phù hợp. 

PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng tham gia giải đáp thắc mắc

Hiện nay, đã có kháng sinh thế hệ mới với liều dùng dễ nhớ, thời gian điều trị ngắn ngày vì cơ chế kháng sinh hấp thu và lưu lại trong máu lâu có thể cho hiệu quả dài ngày dù thời gian uống ngắn ngày hơn kháng sinh thông thường, cũng là một sự lựa chọn cho các bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, cần lưu ý, mọi phương pháp điều trị đều phải tùy theo cơ địa, tình trạng bệnh, bệnh lý của bé… thì mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu.