Từ vụ một nhà thơ tố cáo "bị cưỡng hiếp": Thời hiệu giải quyết vụ án hình sự tối đa là bao lâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mạng xã hội đang xôn xao trước vụ việc một nhà thơ đăng tải nội dung đơn tố cáo “bị cưỡng hiếp ” từ năm 1999. Trong đó, vụ việc xảy ra trưa 14-4-2000 được nhiều người chứng kiến. Dưới góc độ pháp lý, điều khiến nhiều người băn khoăn là thời hiệu giải quyết vụ việc cũng như sự khác biệt giữa hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm…

Thời hiệu với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới

Làm rõ các nội dung trên, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do Bộ luật hình sự quy định, mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Khoản 2 Điều 27 BLHS 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm).

10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 3-7 năm tù).

15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7-15 năm tù).

20 năm tù đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

Tội Hiếp dâm có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm (ảnh minh hoạ)
Tội Hiếp dâm có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm (ảnh minh hoạ)

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc xác định mức độ nghiêm trọng của tội phạm căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà BLHS quy định hình phạt từ 1 năm tù trở lên, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

“Ngày 14-4-2000, đối tượng A có hành vi hiếp dâm đồng nghiệp nhưng chưa bị khởi tố điều tra. Đến ngày 14-5-2018, A lại có hành vi cưỡng dâm người khác và bị cơ quan công an phát hiện. Nếu căn cứ vào thời hiệu truy trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm thì đến tháng 4-2020 đã hết, nhưng trước đó (14-5-2018), A lại phạm tội mới nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội hiếp dâm lại được tính từ 14-5-2018 chứ không phải từ 14-4-2000. Vì vậy, A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội hiếp dâm và cưỡng dâm” - Luật sư Hồng Vân ví dụ.

Ngoài ra, theo Khoản 3, Điều 27 BLHS 2015, nếu trong thời hạn trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

Cưỡng hiếp” người khác phạm tội hiếp dâm hay cưỡng dâm?

Phân tích sự khác nhau giữa hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm, Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh, Điều 141 BLHS 2015 về Tội hiếp dâm nêu rõ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân từ 61% trở lên; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, tội Hiếp dâm có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm. Hành vi khách quan của tội này là giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người khác trái với ý muốn của họ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc bằng thủ đoạn khác.

Thủ đoạn dùng vũ lực được hiểu là thủ đoạn dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại hành vi của người phạm tội như xô ngã, vật, giữ, bóp cổ nạn nhân..

Đe dọa dùng vũ lực là thủ đoạn làm ý chí của người phụ nữ bị tê liệt không chống lại hành vi của người phạm tội như dọa giết, dọa gây thương tích cho nạn nhân. Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý.

Còn về hành vi cưỡng dâm, theo Điều 143 BLHS 2015, người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 10-18 năm.

Hành vi khách quan của tội cưỡng dâm là hành vi “khiến” (ép buộc) và hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Trong đó, hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác là “kết quả” của hành vi “khiến” (ép buộc).

Nạn nhân là người bị lệ thuộc hoặc là người đang ở trong tình trạng quẫn bách.

Quan hệ lệ thuộc ở đây có thể là quan hệ lệ thuộc về mặt công việc, về mặt kinh tế, về mặt tín ngưỡng hay gia đình...

Hành vi đe dọa ở tội cưỡng dâm chưa đến mức làm người bị đe dọa tê liệt ý chí, không dám kháng cự như ở tội hiếp dâm. Người bị đe dọa chỉ bị khống chế tư tưởng; họ vẫn có khả năng phản kháng nhưng đã (miễn cưỡng) chịu giao cấu hoặc chịu thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh