Từ vụ cô giáo trùm túi nilon vào đầu trẻ: Những kẻ bạo hành mang tên “cô giáo mầm non”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận đang xôn xao trước sự việc một cô giáo mầm non dùng túi nilon màu đen trùm vào đầu và đánh vào mông trẻ tại một nhóm trẻ mầm non tư thục ở Yên Bái. Điều được nhiều người quan tâm là chế tài xử lý giáo viên bạo hành trẻ ra sao và làm thế nào để tránh tái diễn những vụ tương tự?

Từ trùm nilon, đánh đập đến nhét giẻ vào miệng

Được biết, người thực hiện hành vi này là Nguyễn Thị Hồng N (trú tại thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, Trấn Yên, Yên Bái) - chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Bông Sen. Nhóm trẻ được thành lập vào ngày 4-5, đặt tại Nhà văn hoá thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp.

Ngày 14-5, lớp mầm non tư thục Bông Sen tiếp nhận 9 cháu nhỏ đến học. Sau khi các cháu ăn cơm trưa xong, cô N cho trẻ đi ngủ trưa. Thấy bé T.H.K. tiểu tiện ra quần, khóc, cô N dỗ nhưng bé không ngủ nên lấy một túi nilon màu đen trùm vào đầu bé và vỗ vào mông cháu 2 cái.

Sau đó cô giáo này đã bỏ túi ni lon ra và đưa bé đi sang phòng hội trường ở bên cạnh lớp học chơi, để các cháu khác ngủ.

Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc trên, UBND xã Báo Đáp đã mời cô Nguyễn Thị Hồng N, gia đình bé K lên làm việc. Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GDĐT Yên Bái cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục theo dõi và đưa ra hướng xử lý phù hợp. Hiện Công an huyện Trấn Yên đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Hình ảnh cô giáo trường mầm non tư thục trùm túi nilon lên đầu trẻ gây bức xúc

Hình ảnh cô giáo trường mầm non tư thục trùm túi nilon lên đầu trẻ gây bức xúc

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, tình trạng giáo viên bạo hành trẻ mầm non diễn ra khá nhiều khiến các bậc cha mẹ không khỏi xót xa, bức xúc. Đáng chú ý, lứa tuổi bị bạo hành đa số là trẻ mầm non - đối tượng chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Cách đây không lâu, một clip ghi lại cảnh bé trai bị cô giáo mầm non nhét giẻ vào miệng lan truyền trên mạng đã khiến nhiều phụ huynh phẫn nộ. Bé trai bị nhét giẻ vào miệng được xác định là H.N.N (11 tháng tuổi), học tại nhóm lớp mầm non của trường tư thục trên đường Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình.

Người nhét giẻ vào miệng trẻ là Lê Thị Lành (SN 2002). Lành là em gái của chủ nhóm lớp mầm non tư thục Sao Việt, nên thường xuyên giúp chị gái việc trông coi trẻ.

Còn tại một trường mầm non ở Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, khi xem camera của lớp, chị L.Q thấy con trai đang ngủ thì bị cô giáo Y lột chăn, bế xốc nách rồi bắt đứng ra ngoài cửa lớp dù trời rét. Nguyên nhân là do bé Đ - con chị Q đang ngủ trưa bỗng thức dậy sớm do bị các bạn bên cạnh trêu, sau đó không ngủ lại, lại khóc lè nhè nên cho bé ra ngoài.

Tương tự tại một trường ở quận 9, TP.HCM, cô H, giáo viên lớp Lá 1 đã bị tạm đình chỉ công tác. Nguyên nhân là do trong giờ ăn có một trẻ khóc, cô giáo đã kéo vào chỗ ngồi nhưng bé không chịu. Tiếp theo đó, cô giáo này đã đá vào chân một bé trai ngồi gần rồi đánh liên tiếp vào tay, thậm chí còn đưa tay của bé lên cắn rồi đạp vào chân bé.

Đoạn clip sau khi được tung lên mạng xã hội gây phẫn nộ cực độ. Nhiều người đã lên tiếng đề nghị nhà trường và cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin và xử lý nghiêm hành vi bạo lực học sinh.

Cần xử lý nghiêm khắc để răn đe

Theo các chuyên gia tâm lý, bạo hành trẻ gây ra hậu quả rất nặng nề và lâu dài. Trẻ bị bạo hành sẽ có cách nhìn và suy nghĩ không tốt về giáo viên. Trẻ có cảm giác sợ hãi khi đến lớp, từ đó xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sợ sệt.

Bên cạnh đó, những hành động bạo hành của cô giáo có thể gây phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ở trẻ, khiến trẻ dầntrở nên ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin. Nguy hiểm hơn là trẻ có thể bắt chước, từ đó phát triển tính bạo lực sau này.

Ngoài ra, trẻ bị bạo hành còn chịu ảnh hưởng nặng nề về thể chất. Thực tế đã có trẻ bị đánh dẫn đến nứt, gãy xương, tổn thương nội tạng, gây di chứng co giật, động kinh, chậm phát triển. Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm giáo viên mầm non bạo hành học sinh để đảm bảo tính răn đe.

Về chế tài xử lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Trẻ em quy định, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị.

Điều lệ Trường mầm non Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT cũng nêu rõ các hành vi giáo viên và nhân viên không được làm gồm: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp; Đối xử không công bằng đối với trẻ em…

Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, giáo viên bạo hành học sinh mầm non có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội: Hành hạ người khác; Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em; Vô ý làm chết người hoặc Giết người” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.