Ca sĩ Hồ Trung Dũng

Từ “trí thức đi hát” đến “nhạc sỹ tay ngang”

ANTĐ - Tranh thủ một khoảng trống hiếm hoi ở Hà Nội chiều cuối năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hồ Trung Dũng – chàng ca sĩ đồng thời là giảng viên khoa tiếng Đức trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng trong Album “Xuân thênh thang”

- PV: Vừa đi dạy học, vừa làm ca sĩ, đâu là điều Hồ Trung Dũng cảm thấy khó khăn nhất để cùng lúc làm tròn cả hai “vai”?

- Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Thời gian, nhất là trong những dịp cuối năm. Dù khoa đã ưu ái cho tôi được chọn ngày dạy, nhưng thỉnh thoảng khi có lịch diễn ở tỉnh hoặc nước ngoài, tôi vẫn phải cho nghỉ và dạy bù sau.

- Khó thì vậy, còn ngược lại, nghề ca sĩ có hỗ trợ được gì cho công việc giảng dạy của Dũng?

- Có thể là không trực tiếp, nhưng cả hai nghề bổ sung rất nhiều cho nhau. Cả hai công việc đều là nhằm truyền thông điệp. Cả hai đều cần sự nhạy cảm để nắm bắt được người nghe và cần khả năng giao tiếp tốt. Và tôi nghĩ nếu người thầy có pha một chút chất nghệ sĩ thì giờ học cũng sẽ bớt khô cứng đi nhiều!

- Dũng thường xuất hiện với phong cách một “trí thức đi hát”. Năm mới, anh có định thay đổi hay làm mới phong cách biểu diễn của mình?

- Trong từng album mà tôi thực hiện, tôi đều muốn mang lại cho khán giả một điều gì đó mới mẻ. Điển hình là album “Xuân thênh thang” vừa phát hành và đặc biệt là album đôi “Một đời yêu” mà tôi sẽ phát hành trong đầu năm tới. Các bạn hãy tự thẩm định xem!

- Anh cũng đang từng bước xây dựng hình ảnh một ca sĩ – nhạc sĩ Hồ Trung Dũng?

- Tôi viết nhạc từ khá sớm, khởi đầu với bài “Hoài niệm”. Rồi sau đó, những ca khúc như “Còn lại gì khi anh vắng em”, “Đơn giản vậy thôi”, “Cho ngày đã qua”, “Khi nắng chưa đầy” được viết ra, và đều nằm trong những album của tôi đã phát hành. Nhưng thực sự thì tôi không dám nhận mình là “nhạc sĩ” đâu, tôi chỉ viết nhạc theo hứng mà thôi. Có lúc viết cả chục bài rồi có khi cả 2 năm chẳng viết được một nốt nhạc nào. Mà như thế thì chẳng thể gọi là nhạc sĩ được! Trong album mới này, tôi đã remix ca khúc “Thênh thang” như một món quà dành tặng cho những khán giả đã luôn ủng hộ tôi, với sự hỗ trợ của một trong những  giọng ca opera hàng đầu Việt Nam - Ngọc Tuyền. 

- Nghe “Thênh thang” có cảm giác như Dũng đang viết về chuyện của chính mình?

- Đúng vậy. Tôi viết cho chính tôi, nhưng cũng là cho nhiều người khác có cùng những cảm xúc như mình. Tôi tin rằng khi mùa xuân đến, không phải ai cũng ngập tràn hạnh phúc, mà có những người lại cảm thấy rất trống vắng. Tôi muốn chia sẻ với họ và mong rằng mọi người hãy mở lòng mình ra để đón nhận một mùa xuân mới đang về, để cùng hòa vào niềm vui chung. Và hy vọng là trong niềm vui đó thì có một phần nhỏ là nhờ âm nhạc của Hồ Trung Dũng (cười). 

- Tết đến, Dũng thường nhớ và thích nhất điều gì?

- Tôi nhớ những món ăn do mẹ tôi nấu, những lúc cả nhà quây quần thưởng thức những bữa ăn đặc biệt trong ngày Tết. Khi đã trở thành ca sĩ thì dĩ nhiên, trong ngày Tết, tôi vẫn muốn được đem tiếng hát của mình để mang lại niềm vui cho mọi người. Tôi cũng thường tụ tập cùng bạn bè để nấu ăn, mặc dù tôi nấu không ngon và nếu không có show diễn gì quá quan trọng thì tôi thường dành vài ngày để đi du lịch coi như là “tự thưởng” cho mình sau những tháng cuối năm làm việc vất vả.   

- Dự định trong năm mới của anh là…

- Là album đôi mang tên “Một đời yêu” với các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Tôi cũng dự định sẽ làm ba đêm diễn ra mắt album tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

- Chúc anh thành công và cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!