Tự phòng vệ vẫn hơn

ANTĐ - Tờ The Age của Australia vừa có bài viết cảnh báo các công dân nước này coi chừng ở tù oan khi làm ăn ở Trung Quốc do không hiểu hết sự phức tạp trong hệ thống pháp lý của đất nước đang phát triển này. 

Tự phòng vệ vẫn hơn ảnh 1Bà Chrlotte Chou được người thân đón trước cửa nhà tù ở Quảng Châu

Bài báo trên xuất hiện sau khi bà Charlotte Chou, một doanh nhân Australia gốc Hoa, được trả tự do sau 6 năm rưỡi ngồi tù ở Trung Quốc. Bà Chou bị bắt năm 2008, bị buộc tội hối lộ và chiếm đoạt 29 triệu NDT (5,3 triệu USD) của trường đại học mà bà tham gia sáng lập. Những người ủng hộ bà    Charlotte Chou nói đối tác cũ của bà đã dùng mánh khóe pháp lý đẩy bà vào tù để giành quyền kiểm soát trường đại học trên do đang làm ăn có lãi.

Chuyện bà Chou chỉ là một trong những vụ án liên quan đến người Australia gốc Hoa bị dính líu vào hệ thống pháp lý nhập nhằng của Trung Quốc. Hồi năm 2011, một doanh nhân khác, ông Matthew Ng. bị tòa án Trung Quốc kết án tù 13 năm về tội biển thủ và hối lộ. Trước đó ông Matthew Ng. tham gia vào một vụ tranh chấp với một công ty du lịch quốc doanh của Trung Quốc để nắm quyền kiểm soát một công ty khác. Hoặc trường hợp bác sĩ mổ tim Du Zuying bị giam ở Sơn Đông suốt hơn 3 năm trước khi được ra tù mà không bị cáo buộc tội danh gì.

Phức tạp nhất là vụ Tòa án Nhân dân Thượng Hải tuyên án 10 năm tù giam đối với  Stern Hu, Giám đốc chi nhánh Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto của Australia tại Thượng Hải, cùng 3 nhân viên người Trung Quốc của Rio Tinto với mức án 7 năm, 8 năm và 14 năm tù giam. Cả 4 người bị buộc tội nhận hối lộ 13 triệu USD và đánh cắp các bí mật thương mại của Trung Quốc. Tòa án cáo buộc họ đã đánh cắp thông tin mật khiến Trung Quốc phải mua quặng với giá cao trong 6 năm, gây thiệt hại cho ngành thép của nước này 700 tỷ NDT (trên 102 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo tờ Le Monde của Pháp, đằng sau vụ Rio Tino là cuộc chiến kéo dài giữa các nhà sản xuất thép Trung Quốc với 3 tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới là Vale của Brazil, liên doanh Anh -  Australia BHP Billiton và Tập đoàn Rio Tinto. Trước đây, hàng năm, các nhà sản xuất sắt thép và các công ty khai thác mỏ ngồi lại với nhau để thảo luận về giá áp dụng trong năm tới cho khoảng 1 tỷ tấn sắt thép trao đổi trên thế giới. Song do nhu cầu quặng sắt lên cao, các công ty khai thác mỏ muốn định giá theo quý và điều này khiến Trung Quốc, nhà nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, không hài lòng.

Những yếu tố pháp lý không rõ ràng trong các vụ án trên đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Australia căng thẳng. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nhận xét rằng cách thức xét xử và phán quyết đối với 4 nhân viên của Rio Tinto đã để lại “những câu hỏi quan trọng chưa có lời giải đáp” về hệ thống luật pháp của Trung Quốc. Liên quan đến vụ án của bà Charlotte Chou, cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã yêu cầu Trung Quốc phải xét xử các công dân Australia theo một tiến trình minh bạch, đơn giản và công khai.

Tuy nhiên, những lợi ích ràng buộc về kinh tế với Trung Quốc không cho phép Canberra có những phản ứng cứng rắn. Chính vì thế, với các doanh nghiệp Australia, tự phòng vệ để tránh rơi vào những rắc rối pháp lý có thể phải trả giá đắt vẫn là điều cần tính tới khi đến Trung Quốc làm ăn.