Từ phát hiện di tích khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai: Bảo vệ ngay dấu tích người Việt cổ ở Tây Nguyên

ANTĐ - Ngay sau khi được công bố, phát hiện quan trọng tại di tích khảo cổ học ở thị xã An Khê, Gia Lai đã thu hút sự chú ý trong giới chuyên môn cũng như trong dư luận. Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi với các nhà khảo cổ học để làm rõ hơn về công trình đặc biệt này.

Từ phát hiện di tích khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai: Bảo vệ ngay dấu tích người Việt cổ ở Tây Nguyên ảnh 1Những hiện vật tiêu biểu tại hố khai quật di tích Gò Đá

Tầng văn hóa ổn định chưa từng thấy

Trước hết, dựa theo những kết quả mà các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu và bằng các phương pháp thực nghiệm để đánh giá, thì những hiện vật tìm thấy tại An Khê, Gia Lai cho thấy đây là di tích có niên đại cổ nhất có dấu tích con người tại Việt Nam.

Tại sao có thể khẳng định được điều này? Từ trước đến nay, những kết quả khai quật thời Đá cũ ở Việt Nam, được xem là thời kỳ bình minh của loài người, còn tồn tại rất nhiều tranh cãi. Theo TS. Nguyễn Tiến Đông, Viện khảo cổ học Việt Nam, ngay ở di chỉ Núi Đọ, Thanh Hóa cho đến bây giờ vẫn còn những ý kiến cho rằng, đó là thời kỳ Đá mới, tức là muộn hơn chứ không phải thời Đá cũ.

Từ phát hiện di tích khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai: Bảo vệ ngay dấu tích người Việt cổ ở Tây Nguyên ảnh 2

Các nhà khoa học khảo sát di tích Rộc Giáo

Bởi vậy, phát hiện mới lần này tại An Khê, Gia Lai là lần đầu tiên chúng ta tìm ra những hiện vật đá tồn tại trong một tầng văn hóa ổn định - cơ sở quan trọng nhất để các nhà khoa học xác định niên đại của di tích. Nhất là nếu so với các cuộc khai quật trước đây, phần lớn chúng ta chỉ tìm thấy dấu vết hiện vật trên bề mặt, tức là khả năng bị xê dịch, di chuyển là tương đối lớn.  

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, người trực tiếp tham gia khảo sát và khai quật di tích cho biết, các nhà khảo cổ đã tìm được cả một hệ thống các điểm di tích nằm trên thềm cổ của sông Ba. Theo nghiên cứu về mặt địa chất, con sông này có giới hạn điểm đầu từ 2,7 triệu năm đến 1 triệu năm.

Mặc dù chưa tìm thấy các di cốt người, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, việc tìm thấy những mảnh tectit (đá thiên thạch) nằm cùng với các công cụ trong một tầng văn hóa ổn định, cho thấy tuổi của các hiện vật này rơi vào khoảng 77 vạn năm đến 80 vạn năm.

Trước đây, chúng ta đã tìm thấy dấu vết của người Việt cổ ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), tuy nhiên mới chỉ tìm thấy răng người, tồn tại cách đây 50 vạn năm. Còn dựa theo những hiện vật tìm thấy trên bề mặt di chỉ ở Núi Đọ, Thanh Hóa, xác định người nguyên thủy sinh sống cách đây 40 vạn năm. Như vậy, tính cổ xưa của nó đã rõ. 

Cần biện pháp bảo vệ đặc biệt

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, trước đây, những dấu vết của người cổ xưa nhất mới được xác định ở châu Phi, Trung Cận Đông và một số điểm đơn lẻ. Với những phát hiện tại An Khê, Gia Lai, chúng ta có thêm những bằng chứng thuyết phục cho thấy, người vượn đứng thẳng Homo erectus, tổ tiên trực tiếp của người hiện đại Homo sapiens có thời gian tồn tại và cư trú tại Việt Nam.  

Với những phát hiện nổi bật và ý nghĩa quan trọng như vậy, điều quan tâm của giới chuyên môn là tình trạng của cụm di tích này hiện nay như thế nào. Theo TS. Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, tình trạng các điểm di tích tại thị xã An Khê vào năm 2014, khi các nhà khoa học Việt Nam và Nga tiếp cận được là tương đối tốt.

Tuy nhiên, trong tổng số 23 di tích được khai quật, thì ngoài các điểm di tích nằm ở rìa thị xã còn khá nguyên vẹn, có một số điểm nằm sát trong khu vực thị xã như Gò Đá đã mất đi một phần đất do người dân xâm lấn. Bởi vậy để đảm bảo tính nguyên vẹn và hiện trạng của cụm di tích cần phải có biện pháp bảo vệ khẩn cấp. PGS.TS Nguyễn Khắc Sử bày tỏ ủng hộ việc đề nghị xếp hạng đối với cụm di tích An Khê, Gia Lai để có khung bảo vệ về mặt pháp lý đối với vùng đất đang được nghiên cứu. 

Trong 2 năm từ năm 2014 đến 2016, các nhà khoa học của Viện khảo cổ học Việt Nam và Viện khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã phát hiện một số lượng lớn các hiện vật đá tại các điểm di tích Gò Đá, Rộc Tưng và một số điểm di tích khác tại thị xã An Khê, Gia Lai. Nổi bật là các loại rìu tay và các mẩu tectit (đá thiên thạch), được xác định là thuộc sơ kỳ Đá cũ - thời buổi bình minh xuất hiện loài người.