Từ ngày nghỉ lễ, nghĩ về cư dân đô thành

ANTD.VN - Hà Nội có phải thành phố của dân ngụ cư? Có lẽ một phần thế dù thành phố đã có hơn nghìn năm lịch sử từ ngày Vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Tại sao tôi lại đặt ra câu hỏi này? Vì những ngày nghỉ lễ, có một Hà Nội rất khác.

Từ ngày nghỉ lễ, nghĩ về cư dân đô thành ảnh 1Hà Nội sáng mùng 1 Tết thênh thang, vắng lặng lạ thường

1. Người ta cứ hay than phiền rằng, Hà Nội đông đặc, đông nghịt, tôi cũng thấy thế. Sau hơn 10 năm trở lại Hà Nội, tôi hầu như không nhận ra thành phố nữa, rất nhiều nhà cao tầng được xây dựng, nhiều con đường mới mở và điều đặc biệt nhất, cách đây độ hai chục năm, Hà Nội rất ít tắc đường, có lẽ chỉ tắc vào dịp học sinh thi đại học. Còn bây giờ, tắc đường, ùn ứ gần như trở thành một… “đặc sản”.

Nhưng bỗng có vài ngày, Hà Nội vắng lặng lạ thường, nhất là dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 hay Tết Âm lịch. Đường phố bỗng thông thoáng lạ thường, người ta có cảm giác như trở về một Hà Nội của nhiều năm ngày trước. Không tắc đường, không ùn ứ, đường phố bỗng rộng ra rất nhiều mà ngày thường ta cứ nghĩ nó chật hẹp lắm. Vậy dòng người khổng lồ vẫn ngược xuôi trên đường hàng ngày đã đi đâu? Phần lớn họ về quê thăm gia đình, người thân, một số khác đi du lịch, vui chơi. Thế nên tôi mới đặt câu hỏi rằng, Hà Nội có phải thành phố của dân ngụ cư? Câu hỏi này có phần chính xác.

2. Người Hà Nội gốc ít lắm. Tôi nghĩ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long thì nơi này cũng chẳng có nhiều dân. Bằng chứng là khi kinh đô được định vị ở chỗ mới, nhu cầu của nhà nước phong kiến về tăng số dân cho các mục đích xây dựng thành trì, đền đài, miếu mạo và sản xuất các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày thì thợ khéo, thợ giỏi từ các địa phương khác mới được đưa về. Những người thợ ấy mang theo vợ con, tiếp theo là họ hàng, làng xóm, từ đó hình thành nhiều làng nghề, nhiều phố nghề mang đặc trưng gia đình và địa phương. Thành phố đông dần lên, dân cư tứ xứ kéo đến. Nhiều người đến sinh sống tập trung thì buôn bán phát triển, một tầng lớp dân cư khác xuất hiện và hoạt động kinh doanh. Người ta buôn bán hàng hóa về Hà Nội, thấy dễ làm ăn thì ở luôn lại, lập làng, lập phố.

Với địa thế là thủ phủ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, sự thu hút dân cư của thành phố ngày càng lớn. Những người ưu tú nhất ở lại Thủ đô, những người bình dân cũng tìm cách kiếm sống. Thành phố ngày một đông lên, dân cư tăng quá nhanh, và một ngày những người ấy bỗng rút khỏi thành phố gần như cùng thời điểm. Thành phố được thả lỏng, nới rộng ra vài ngày, nếu ai chịu khó quan sát sẽ thấy nhiều điều thú vị.

Từ ngày nghỉ lễ, nghĩ về cư dân đô thành ảnh 2Áp lực giao thông ngày thường ở Hà Nội rất lớn

3. Người Hà Nội gốc ít lắm, chắc chắn là vậy. Nhà văn, cũng là nhà Hà Nội học Tô Hoài từng bảo rằng, nếu là cư dân gốc Hà Nội có lẽ chỉ có mấy anh đánh cá trên sông Tô Lịch. Bao nhiêu đời thì được gọi là Hà Nội gốc, 5 đời, 7 đời hay nhiều hơn nữa. Tất nhiên điều này cũng không quá quan trọng, thành phố lớn với những ưu thế của mình thì tất nhiên sẽ thu hút dân cư. Khi đã trở thành công dân thành phố thì ai cũng phải nỗ lực để học tập, lao động và kiếm sống vì thành phố càng lớn thì cơ hội nhiều, nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt.

Cho nên có một ngày, khi có dịp được nghỉ ngơi lâu hơn một chút người ta sẽ nhớ về quê hương bản quán của mình. Sinh viên về thăm nhà, người lao động về quê, những người ra thành phố nhiều năm thì về thăm tổ tiên, ông bà, họ hàng. Họ rút khỏi thành phố gần như cùng lúc. Những ngày đầu thì xe cộ ùn ùn, các cửa ngõ thành phố đông nghịt, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm chật như nêm. Ga Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm đông nghịt người, sân bay Nội Bài cũng tấp nập máy bay cất, hạ cánh. Rồi thì thả lỏng dần, thành phố cựa mình nghỉ ngơi sau rất nhiều ngày quá tải.

4. Ngày nghỉ dài, những phố lớn không còn đông người, những ngã tư đèn đỏ ngày thường mấy nhịp mới qua được thì nay bỗng nhẹ tênh. Đường phố được giải phóng thì các điểm vui chơi lại hút khách. Vườn Bách Thảo, công viên nước Hồ Tây, Hồ Gươm, các siêu thị lớn người kéo đến ùn ùn. Chỉ còn những người vẫn ở lại Hà Nội vì lý do nào đấy hoặc những người ở các địa phương khác đổ về du lịch, vui chơi. Đường phố vắng nhưng điểm du lịch có tiếng, nơi dành cho trẻ em thì đông vui rộn ràng.

Tôi thích đi trên đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú những ngày đó, lâu lâu mới được thư thả được ngắm những hàng sấu cổ thụ mà không bị sức ép bởi còi xe, những người xung quanh. Tôi thích đi qua cầu Long Biên, vào phố cổ những ngày ấy, cây cầu trống vắng như quá khứ thuở nào, khu phố cổ cũng có chỗ dịu lại, êm đềm trong một bầu không khí thoáng hơn, yên bình hơn. Có những người Hà Nội chờ đợi cả năm để được sống vài ngày trong bầu không khí ấy. Chúng ta sống lâu quá trong sự ồn ã và đông đặc thì thèm khát những ngày được thả lỏng êm đềm. Nhà văn Hồ Anh Thái đã từng có lần nói với tôi điều ấy, có lẽ đó cũng là một sự thú vị chăng?

Từ ngày nghỉ lễ, nghĩ về cư dân đô thành ảnh 3Những bến xe đông nghịt người vào dịp nghỉ lễ

5. Hà Nội những ngày nghỉ có lẽ là những ngày hiếm hoi trong một năm tự thành phố được chùng mình đôi chút. Cứ căng quá, nhanh quá, ồn quá cũng khiến người ta mệt mỏi. Vài ngày chùng xuống cho phố xá được thảnh thơi, cư dân được làm những việc khác ngoài công việc hàng ngày. Và một điều rất quan trọng với cư dân Á Đông và người Việt, đó là nhớ đến quê hương, ông bà, cha mẹ. Tôi  chắc chắn rằng, đa số thời gian nghỉ lễ của cư dân có gốc gác không phải thành phố là dành cho gia đình. Về thăm quê, mang theo những món quà, nụ cười và câu chuyện thành phố kể cho ông bà, cha mẹ, anh chị rồi lại tất bật trở lại Hà Nội chuẩn bị cho những ngày làm việc mới.