Từ nạn nhân đến kẻ thủ ác

ANTĐ - Bị chồng bạo hành suốt một thời gian dài, nhiều người vợ nhẫn nhục chịu đựng, bỗng bật dậy... vung dao... Theo bà Bùi Thị Thanh Hòa - chuyên gia tâm lý (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên - CSAGA) đó là những kết thúc “tất yếu” của những nạn nhân bị bạo lực gia đình trong một thời gian dài. 

Con giun xéo lắm...

Sau một tuần, người dân thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên vẫn bàng hoàng về việc An Thị Thêu (28 tuổi) dùng tay bóp cổ, sau đó dùng dây sạc điện thoại siết cổ chồng tới chết. Thêu cho biết trong thời gian chung sống, người chồng thường xuyên nát rượu, về nhà chửi mắng, đánh đập vợ con thậm tệ. Vào buổi chiều định mệnh đó, nạn nhân cũng đã say rượu, về chửi mắng vợ con nên xảy ra xô xát. Trong quá trình giằng co, Thêu đã bóp cổ chồng… Trước đó, ngày 9-4, tại Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An, Nguyễn Thị Liên bị chồng ép quan hệ tình dục vào lúc 3h sáng. Khi Liên không đồng ý, người chồng đã lôi vợ ra sân, dùng thanh thép đánh. Liên đã giằng được thanh thép, vung lên. Khi người chồng ngã xuống, Liên còn dùng cuốc bổ thêm 2 nhát vào người chồng. Theo lời của hàng xóm, người chồng này rất nát rượu, thường xuyên đánh chửi vợ. 

Nguyễn Hương Lan (31 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) cũng rơi vào vòng lao lý vì đã vung gậy đánh chồng đến tử vong. Trước đó, Lan đã bị ép chiều chồng nhiều lần theo các tư thế lạ, khó chịu, trong khi Lan còn đang phải điều trị bệnh phụ khoa, các bác sĩ chỉ định kiêng quan hệ tình dục. Từ chối, trốn chạy không được, bị dồn đến bước đường cùng, Lan đã dùng gậy gỗ đập liên tục vào chồng… Đầu năm 2014, khi các gia đình đang sum vầy trong không khí Tết thì Trương Thị Bài (54 tuổi, ở Nghĩa Đàn, Nghệ An) cũng phải tra tay vào còng vì tội giết chồng. Trước đó, người chồng say rượu, về đánh đuổi và bắt vợ và con xuống chuồng gà nằm. Sáng sớm hôm sau, hắn lại tiếp tục xông vào dùng thanh củi đánh vợ tới tấp. Người vợ đã chạy trốn, sau một giờ quay về chuẩn bị đồ để đi làm. Nào ngờ, người chồng vẫn chưa hết cơn cuồng loạn, tiếp tục đè vợ ra để đấm đạp. Sẵn con dao trong tay… Tại phiên tòa, người vợ đã nức nở, ngất xỉu khi nói về cuộc hôn nhân đầy bạo lực, thấm đẫm nước mắt và máu của mình. Ngay cả những đứa con cũng xót xa cho mẹ, xin Tòa án giảm nhẹ hình phạt. 

Đừng để phụ nữ cô đơn

“Người vợ bị đẩy tới đường cùng ra tay hạ sát chồng là do không biết cách giải thoát hợp lý hoặc là quá đơn độc trong việc giải quyết mâu thuẫn với người chồng, không tìm được sự giúp đỡ của người thân hoặc chính quyền. Họ im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng như con giun con kiến, nhưng rồi sự dồn nén, đau khổ, uất ức cứ như một khối u, ngày một lớn lên và khi u vỡ chính là lúc án mạng xảy ra. Thậm chí, những người phụ nữ sau một thời gian u uất, nung nấu, sức khỏe tâm thần cũng không được ổn định, người ta không thể kiểm soát nổi cơn giận dữ của mình” – bà Bùi Thị Thanh Hòa cho biết. 

Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển RCGAD, Tổng cục Thống kê Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành khảo sát 900 người bị bạo lực gia đình (BLGĐ) tại 9 tỉnh, thành phố năm 2012. Kết quả cho thấy 90% nạn nhân bị các bạo lực nghiêm trọng như tát, đá, đánh, đấm; 69% bị chồng dùng đồ vật đánh, ném vào người; 37% bị chồng dùng (dọa) dao kiếm, súng để tấn công; 36% bị cưỡng ép quan hệ tình dục, 33% làm hại (dọa) giết con hoặc người thân của vợ. Hậu quả 83% nạn nhân bị thương tích từ sây sát đến gãy xương, chấn thương đầu, nội tạng, 98% bị sang chấn tâm lý như trầm uất, sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, mất ngủ. Tuy 83% bị thương tích nhưng tỷ lệ trình báo công an của nạn nhân là rất thấp (43%).  Phụ nữ trên 60 tuổi thì 100% không trình báo. Có đến 65% chị bị BLGĐ cho biết đấy là chuyện riêng, nên giải quyết trong gia đình, 30% không muốn ai biết, 30% cho rằng đó là vụ việc nhỏ nhặt, 22% xấu hổ, 23% sợ chồng đánh thêm. Cũng có đến 10% chị em lo sợ chồng mình sẽ bị bắt nếu báo công an. Cho dù người bị BLGĐ rất cần có sự can thiệp, giúp đỡ của người thân, chính quyền nhưng hầu hết họ đều phải đơn độc đối phó. Theo nghiên cứu nói trên, có đến 67% do nạn nhân tự trình báo; tỷ lệ người thân trình báo ngay với hàng xóm (19%). Đáng chú ý là tỷ lệ trình báo công an của hội phụ nữ, tổ dân phố, tổ hòa giải, UBND là rất thấp (khoảng 2-4%). 

Ông Hoa Hữu Vân - Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch) cho biết, sự can thiệp của chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm “độ nóng” của các vụ BLGĐ. Người gây bạo lực có thể không sợ vợ, không sợ người thân nhưng nếu bị xóm làng lên án, chính quyền xử phạt, răn đe chắc chắn sẽ dần giảm bớt hành vi đánh vợ con của mình. “Nếu sau khi vụ việc BLGĐ nghiêm trọng xảy ra, mà chính quyền địa phương lại đổ tại “nạn nhân không có đơn kêu cứu” nên không can thiệp sớm là vô trách nhiêm, là vi phạm luật pháp. Trong Luật Phòng chống BLGĐ đã có quy định, chỉ cần bất cứ ai thông báo về BLGĐ thì chính quyền đều có nhiệm vụ phải đứng ra giải quyết” - ông Vân nhấn mạnh. 

“Những người gây bạo lực gia đình là những người gặp khó khăn trong vấn đề kiểm sóat hành vi. Ngoài ra họ còn nghiện chất (rượu, ma túy) càng làm gia tăng bạo lực. Vì thế, cần phải có một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho người gây bạo lực như cai nghiện, trang bị kỹ năng giải tỏa cơn nóng giận, ứng xử… để họ có được một “con đường” để trở về chứ không phải phủ nhận, bài xích, lên án họ là đủ” – bà Bùi Thị Thanh Hòa.