Từ 25/11: Quy định mới nhất về biên chế các Sở thuộc UBND tỉnh có hiệu lực thi hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không sáp nhập, hợp nhất sở, ngành, các sở có thể không thành lập văn phòng, phòng thuộc sở có ít nhất 5 biên chế công chức…là những quy định quan trọng nổi bật của Nghị định 107/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 25/11.

Nghị định 107/2020/NĐ-CP vẫn giữ nguyên cơ cấu các Sở ở cấp tỉnh như tại Nghị định 24/2014. Theo đó, có 17 Sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Chỉ có Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở LĐ, TB&XH, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND được điều chỉnh một số nội dung về chức năng, nhiệm vụ.

Về các Sở đặc thù, Nghị định mới bổ sung thêm 1 Sở khác tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là Sở Quy hoạch và kiến trúc.

Như vậy, về cơ cấu sở ở cấp tỉnh và phòng ở cấp huyện, Nghị định 107 và Nghị định 108 vẫn giữ ổn định như quy định cũ. Theo đó, việc sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành đang được thí điểm ở các địa phương sẽ không còn được chính thức triển khai.

Cũng theo Nghị định 107, cơ cấu tổ chức của Sở gồm: Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Trong khi đó theo quy định hiện hành (Nghị định 24/NĐ-CP), chỉ có Thanh tra, chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập là không bắt buộc, còn văn phòng và phòng chuyên môn nghiệp vụ là 2 phòng các Sở bắt buộc phải có thì nay chỉ bắt buộc phải có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Như vậy, từ ngày 25/11, các Sở thuộc UBND cấp tỉnh có thể thành lập hoặc không thành lập Văn phòng. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc Sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

Về biên chế công chức, theo quy định hiện hành, tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở - cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh là: Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức với phòng thuộc Sở của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tối thiểu 6 biên chế công chức với phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức với phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III; Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở.

Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.