Truyền hình trả tiền: Cước tăng, chất lượng phập phù

ANTĐ - Phải trả tiền cho dịch vụ truyền hình nhưng người tiêu dùng đang chịu thiệt do chất lượng dịch vụ kém. Đó là thực trạng truyền hình trả tiền” ở nước ta hiện nay.

Trong thời gian tới truyền hình trả tiền sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt (ảnh minh hoạ)

Trả tiền nhưng không được xem

Ông Vương Ngọc Tuấn- Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) chia sẻ, không ít người tiêu dùng than thở việc doanh nghiệp truyền hình bán đầu thu cho người tiêu dùng để thu các kênh do đài mình phát nhưng lại đột ngột dừng tín hiệu, không một lời giải thích… 

Một thực tế khác khiến người tiêu dùng cảm thấy như bị “nhà đài” lừa đảo là việc thiếu kiểm soát thông tin quảng cáo bán hàng. Trên nhiều kênh sóng của truyền hình trả tiền, những đoạn quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng chất lượng, tính năng, công dụng, nguồn gốc xuất xứ và giá trị của hàng hóa; bán hàng không nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ diễn ra phổ biến. Nhiều người mua hàng qua truyền hình không được xem xét hàng hóa khi nhận hàng, bị thoái thác trách nhiệm khi có khiếu nại, thường xuyên thay đổi địa chỉ trên trang mạng của đơn vị bán hàng để ngăn người tiêu dùng tiếp cận doanh nghiệp… 

Theo bà Trần Phương Lan- Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền có vị trí thống lĩnh thị trường ép buộc các nhà cung cấp kênh nội dung phải kí hợp đồng độc quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn “móc nối” với chủ đầu tư các khu đô thị để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khiến người tiêu dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ. 

“Phí” cạnh tranh khách chịu

Theo bà Trần Phương Lan, hiện nay đang diễn ra tình trạng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau để ký các hợp đồng bản quyền truyền hình, đặc biệt là bản quyền truyền hình phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Giá bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam đã tăng gần 200% trong 2 giai đoạn 2011-2013 và 2013-2016. Chi phí mua bản quyền lớn khiến giá thuê bao truyền hình trả tiền liên tục tăng. 

Ông Vũ Văn Hiến - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam không đồng tình với quan điểm cho rằng sự thống lĩnh thị trường khiến giá thuê bao tăng. “Hầu như các doanh nghiệp truyền hình cáp lãi không lớn. Lý do vì hầu hết đầu vào của hệ thống truyền hình cáp như: bản quyền, cáp quang, cơ sở vật chất… đều từ yếu tố nước ngoài, phải thanh toán bằng USD” - ông Vũ Văn Hiến nói. 

Các chuyên gia trong ngành cũng dự báo, sự xuất hiện của VNPT, Viettel và FPT trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tới đây sẽ càng khiến dịch vụ này có sự cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí, thị trường sẽ bị phá giá bởi tiềm lực mạnh của các “nhà mạng”.