Truyền hình thực tế ở Việt Nam, còn khuya mới công bằng!

ANTĐ - Đây chắc chắn lừ một câu hỏi cũ nhưng sẽ không bao giờ hết bức xúc, chừng nào showbiz Việt còn tồn tại các chỉ số nhắn tin bình chọn kiểu "áo gấm đi đêm" như hiện nay.

Càng nhiều sân chơi - càng mù mờ

Trong một vài năm trở lại đây, tình trạng các gameshow nở rộ trên truyền hình là một điều đáng để suy ngẫm. Thoạt nhìn, chúng ta hân hoan bởi cái gọi là "nền công nghiệp truyền hình" nước nhà đang phát triển thịnh vượng với hàng chục chương trình mua bản quyền nước ngoài liên tục lên sóng. Thế nhưng, nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta thấy sự dễ dãi của nhà đài trong việc xã hội hóa các chương trình truyền hình để bây giờ xảy ra tình trạng "loạn gameshow".

Có những chương trình "na ná" nhau được mua sóng về, ví dụ như Vietnam Idol, The Voice, The X-Factor, Got Talent, v.v... Bên cạnh đó là các chương trình cùng mục đích tìm kiếm tài năng trong nước vẫn đang chạy từ hàng chục năm qua như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình... Khiến cho mỗi tối cuối tuần khán giả rơi vào tình trạng "no xôi chán chè", chẳng nhớ được cụ thể chương trình nào với chương trình nào.

Việc bùng nổ các chương trình về tìm kiếm tài năng cho thấy một thực tế là chúng ta mới chỉ đang phát triển bề mặt, hiện tượng "nhiều nhưng không tinh". Đấy là sự thật bởi với một quốc gia nhỏ như Việt Nam thì khó mà có thể hi vọng mỗi năm hàng chục chương trình tìm kiếm tài năng kết thúc có thể kiếm được những ngôi sao mới thu hút mê hoặc công chúng. Chiếc bánh thị phần ca nhạc đang càng ngày càng bé đi và giờ càng bé hơn nữa bởi sự chia sẻ của những "tân binh" nhiều đến độ nhớ tên thôi cũng đã là quá giỏi.

Với một quốc gia rộng lớn như Mỹ mỗi năm cũng chỉ có 3 cuộc thi lớn là American Idol, The Voice và The X-Factor nhưng công chúng cũng còn chẳng nhớ hết được nữa là nói gì với một nước mà nền công nghiệp giải trí còn "nửa nạc - nửa mỡ" như Việt Nam. Chính bởi thực trạng "loạn cào cào châu chấu" đó nên sự tin tưởng của công chúng vào tính minh bạch cũng ngày càng ít đi. Thậm chí, nếu có nói là không quan tâm cũng không sai.

The Voice mùa đầu tiên kết thúc với sự chưng hửng của những người theo dõi khi chỉ công bố tên Hương Tràm là quán quân. Không ai nghi ngờ chuyện Tràm có xứng đáng hay không bởi rõ ràng xét trong mặt bằng thí sinh, cô gái 17 tuổi này nổi trội. Thế nhưng, như thế cũng không có nghĩa là được phép bỏ qua con số nhắn tin bình chọn cho cô cũng như "đánh đồng" 3 thí sinh còn lại là... Huy chương bạc. Công chúng bỏ tiền nhắn tin và họ có quyền được biết thí sinh của mình cụ thể xếp thứ mấy, với số tin nhắn là bao nhiêu chứ không phải nhắn tin là một đặc quyền được ban phát. Vậy nên nếu có nói rằng vị trí của cuộc thi đã được xác định ngay từ đầu cũng là không có gì là quá đáng hết. Đơn giản, kết quả không minh bạch thì công chúng có quyền "lật lại hồ sơ". Scandal lớn của The Voice mùa vừa qua cũng là một minh chứng rõ ràng.

 

The Voice

"Sao bự" tham gia gameshow để chiến thắng

Trước khi khỏi động mùa hai nhạt nhẽo, "Cặp đôi hoàn hảo" của mùa đầu tiên cũng vướng khá nhiều nghi vấn bởi kết quả cuối cùng. Rõ ràng ai cũng thấy cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng - Kim Thư thể hiện nghèo nàn như thế nào nhưng cuối cùng họ vẫn cán đích ở vị trí Á quân. Trấn Thành và Đoan Trang về nhất là xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra nhưng thông túi hậu trường râm ran rằng Đàm Vĩnh Hưng đã có "thỏa thuận" với đơn vị tổ chức để cán đích với vi trí đầu tiên vì anh là ngôi sao lớn nhất thị trường. Thế nhưng, thực tế lại diễn ra không đúng với kịch bản khi mà cặp đôi Trấn Thành - Đoan Trang xuất sắc nhìn thấy nên BTC không dám thực thi kịch bản như đã trù liệu ban đầu...

Chẳng biết bao nhiêu phần trăm trong số những lời đồn đoán đó là sự thật nhưng ai cũng biết rằng trong showbiz Việt thì khó mà có sự thật nào được che giấu, dù kĩ lưỡng đến mấy và lập luận ngôi sao lớn tham gia phải có giải cũng không phải là vô lí. Bỏ show đi hát tới hàng mấy trăm triệu trong tổng thời gian diễn ra chương trình thì tất nhiên họ có quyền đòi hỏi để không "mất thể diện". Thế nhưng, người tính không bằng trời tính hoặc cũng có thể người tính đi tính lại thiệt hơn rồi cuối cùng "phá" kịch bản. Câu hỏi vẫn bỏ lửng đó với số % sự thật vẫn luôn là điều mơ hồ nhất.

Cũng vẫn sân chơi này năm nay, chủ nhật vừa rồi là một kết quả thiếu khách quan khi cặp đôi Hoàng Hải - Thúy Linh rời cuộc chơi. Điều đáng nói, đêm đó họ không phải cặp đôi tệ nhất khi Nathan Lee và Ngọc Oanh cùng Dương Triều Vũ - Thanh Thúy hát tệ hơn rất nhiều. Một cặp được khán giả cứu (Nathan Lee -Ngọc Oanh), một cặp được BGK cứu khi cho số điểm cao nhất một cách bất thường, thậm chí lời bài hát được thêm vào cuối cùng "Đừng xa em đêm nay khi ba má em đã ngủ... say" khá phản cảm. Biết là thiếu công bằng nhưng ai có thể lên tiếng khi mọi con số cứ tìm chỗ... ngủ im. Trước đó một tuần, cặp đôi Phan Anh - Thái Trinh bị loại cũng đã "dậy sóng" nhè nhẹ khi trước khi công bố kết quả, Phan Anh cũng đã lên facebook kêu gọi fan... dừng bình chọn bởi đã "dự cảm" được điều gì đó.

Họ là những người trong cuộc hơn ai hết, họ hiểu nội tình đang diễn ra như thế nào. Họ hiểu nhưng họ thiếu chứng cớ để đưa ra với công chúng nên đành phản ứng yếu ớt vậy trên các mạng xã hội. Họ không có bằng chứng cũng đúng bởi điểm BGK cho là quyền của họ còn số tin nhắn của khán giả lại thuộc quyền khán giả mà khán giả đông hay ít thì chỉ có BTC biết. Năm nào các sân chơi này cũng có những công ty kiểm toán tham gia chương trình với vai trò "trọng tài" để kiểm tin nhắn nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ thấy họ tổng số lượng tin nhắn.

Ví dụ như giải thưởng HTV Award năm nào xảy ra sự mâu thuẫn giữa fan Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm về giải thưởng Nghệ sĩ của năm. Mỹ Tâm phản ứng bằng cách bỏ hát, fan hô hào phản đối giải thưởng nhưng ngay lập tức sáng hôm sau, tất cả các phóng viên văn hóa văn nghệ nhận được một bảng kê chi tiết số lượng tin nhắn bình chọn đến từng hạng mục, từng con số lẻ. Có những nghệ sĩ được bình chọn chỉ có vài trăm tin nhắn đến vài chục nghìn họ cũng công bố hết. Tất nhiên, sau đó, những nghi ngờ được dẹp bỏ và vai trò của các công ty kiểm toán thấy rõ hơn bao giờ hết. Có thể BTC giải thưởng không sợ chuyện công chúng nói chương trình kém hấp dẫn nên số lượng bình chọn thấp hoặc cũng có thể họ xem trọng tính uy tín của giải thưởng hơn. Một động thái đáng hoan nghênh.

 

Cặp đôi hoàn hảo

Cần nhiều hơn những thể lệ rõ ràng

"Amazing Race" và "Bạn đường hợp ý" là hai chương tình truyền hình thực tế đúng nghĩa đã và đang gây dựng được niềm tin mạnh mẽ nơi công chúng. Đơn giản, họ có thể lệ rõ ràng về chuyện tính thời gian, vi phạm luật tham gia chương trình, số điểm được cho tính theo từng đầu hạng mục mà những người chơi tham gia một cách hết sức rõ ràng. Khán giả có thể tự ngồi nhà xem tivi, mang giấy bút ra ngồi tính điểm cho ngôi sao, thí sinh mình yêu thích để thấy kết quả cuối cùng hoàn toàn trùng lặp với chương trình.

Tất nhiên, những chương trình đòi hỏi sự dẻo dai về sức khỏe của người chơi, sự mệt nhọc của e-kíp thực hiện như hai chương trình nói trên khó lòng mà hấp dẫn được khán giả số đông. Rõ ràng, ở Việt Nam muốn đông khán giả phải có ngôi sao tham gia và ngôi sao càng lớn thì khán giả càng ổn định và đương nhiên ngôi sao lớn có quyền đòi hỏi hơn các ngôi sao nhỏ hoặc các thí sinh vô danh.

Thế nhưng điều ngược đời cũng đã xảy ra cả với những chương trình không có ngôi sao. Cụ thể là "Vietnam's Next Top Model" năm vừa rồi chẳng hạn. BGK đã cho gọi lại một thí sinh đã bị loại trong tập trước chỉ vì thí sinh này trúng tuyển các show diễn thời trang tại New York, hài hước hơn, đó lại show diễn của nhà thiết kế lớn với các đòi hỏi khắt khe. Còn những thí sinh được đi tiếp lại chỉ được các nhà thiết kế nhỏ gọi diễn cho các show không quá hoành tráng. Đó đương nhiên là một quyết định đúng của BGK khi ghi nhận sự nổi bật của thí sinh đã bị loại nhưng ngạc nhiên ở chỗ, ngay tập sau thì BGK loại luôn thí sinh vừa được gọi lại dù cô xuất sắc nhất trong số những thí sinh còn lại với chương trình. Gọi lại thí sinh, cho họ cơ hội, phá bỏ tính thể lệ cuộc thi, tạo cột mốc lịch sử với chương trình nhưng sau đó loại thẳng tay thì rõ ràng công chúng "ngơ ngác" về chuyện tiêu chí và... tâm của BGK cũng chẳng có gì sai.

Từ giờ đến cuối năm sẽ còn rất nhiều các chương trình giải trí được lên sóng, cụ thể như The Voice Kid, The X-Factor (lần đầu tiên về Việt Nam), Chúng tôi là người chiến thắng, Bước nhảy hoàn vũ, v.v... nhưng có điều đáng nói là quá nửa số đó có sự nửa vời trong thể lệ bình chọn. The Voice Kid là một sân chơi mới với độ tuổi thiếu niên nhi đồng và công chúng đang chờ đợi sân chơi này sẽ làm "tổn thương" các thí sinh nhỏ ra làm sao. Không phải không có cơ sở khi trước đó, cuộc thi Đồ-Rê-Mí cũng đã gặp vài rắc rối nho nhỏ. Điều đáng quan tâm là trẻ em là tương lai của đất nước nhưng nếu như từ nhỏ, chúng đã phải chứng kiến sự gian dối của những người lớn thì không biết sau này sẽ như thế nào.

Nếu chúng có bắt chước theo thì lúc đó sẽ trách ai. Chẳng nhẽ người lớn quay ra trách trẻ em hoặc trách nhau? Cũng xin đừng quên sự kiện cô bé "bị" mượn giọng cho một cô bé khác xinh xắn hơn diễn ra tại Olympic Bắc Kinh 5 năm trước. Sự kiện đó đến ngày hôm nay vẫn được nhắc đến như một ví dụ của sự "đào tạo" và "dạy dỗ" trẻ em gian dối ngay từ nhỏ, đó là một "sự cố nho nhỏ" nhưng cũng đủ khiến cho sự thành công của Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh năm đó bị bớt lung linh đi, suy cho cùng cũng chỉ vì một giọng hát và một hệ thống tư duy sai, chạy theo hình thức.

Đừng để mọi chuyện xảy ra đến khi quá muộn mới vội vàng tổ chức họp báo đính chính như The Voice mùa đầu tiên nhưng kết quả sau đó, niềm tin ít nhiều đã vơi đi. Vậy nên, lúc này đây, câu nói cũ của người xưa là: "Thật thà là cha gian dối" cần được mang ra học lại, nhất là với BTC các chương trình truyền hình.