Truy tận cùng trách nhiệm

ANTĐ - Bảy bến ô tô “cóc” và gần 20 hàng quán trái phép đồng loạt bị tháo dỡ trong vòng 2 ngày; thông tin vụ việc tưởng như xảy ra ở “tận đẩu tận đâu”, chứ ít ai nghĩ rằng “nó” lại xảy ra ở ngay địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hơn 100 cán bộ, nhân viên thuộc đủ các lực lượng chức năng đã được huy động để tham gia buổi cưỡng chế; và tất nhiên, vì “chủ thể” bị cưỡng chế cũng chính là những đối tượng vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất, nên đã không có phản ứng tiêu cực nào xảy ra.

Buổi cưỡng chế kết thúc, song sẽ không thực sự trọn vẹn nếu trách nhiệm của cá nhân, cơ quan để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất công, để người dân tự ý lập bến “cóc”, mở quán hàng tháng trời không được giải quyết. Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự hình thành cùng lúc 7 bến xe “cóc” và gần 20 hàng quán là do sự quá tải, nhu cầu đi lại quá lớn của người dân ở bến xe Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Nhưng điều đó không có nghĩa và không được phép để bến “cóc”, hàng quán được mở tràn lan. Hoạt động như bến xe chính danh, chiếm dụng diện tích đất không hề nhỏ, báo chí - dư luận “kêu” cũng nhiều, nhưng hệ thống bến - quán ấy vẫn tồn tại hàng tháng trời.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: phải chăng, có ai đó “đứng sau” sự tồn tại của những bến “cóc”, hàng quán. Bởi thực tế là, những điểm kinh doanh trái phép, tồn tại không phép ấy từng bị kiểm tra, từng bị lập biên bản, hôm sau đâu lại vào đấy. Việc phát hiện vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai không khó, nhất là đối với loại hình kinh doanh vận tải khách công cộng, bến bãi. Thế mà nó vẫn có điều kiện hình thành, tồn tại và phát triển. Không bị ngăn chặn sớm, từ một bến “cóc” đã phát triển lên đến con số 7, với cả nghìn mét vuông đất bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Và từng ấy thời gian, ANTT ở khu vực quanh bến xe Mỹ Đình đã trở nên cực kỳ lộn xộn.

Ghi nhận sự quyết liệt của huyện Từ Liêm trong động thái cưỡng chế, giải tỏa các bến “cóc”, quán “chui” quanh bến xe Mỹ Đình. Và cũng mong muốn chính quyền cơ sở phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân hoặc cơ quan hay cấp nào đã để tồn tại kéo dài. Chỉ có như thế, vi phạm mới không tái diễn; và câu hỏi: “vì sao bến “cóc” - quán “chui” tồn tại?”, mới được trả lời thỏa đáng.