Truy đến cùng trách nhiệm

ANTĐ - Tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20-5 tới, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận Luật Đầu tư công, chấm dứt gần một thập kỷ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và kém hiệu quả. Từ năm 2006, một dự thảo luật về đầu tư công đã được tính đến, nhưng vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là tư duy cát cứ của cán bộ, ngành và tư tưởng địa phương cục bộ, đầu tư công mang nặng cơ chế xin-cho, tiền nhà nước rót vào nhiều dự án, công trình thiếu hiệu quả… 

Dự thảo Luật Đầu tư công lần này sẽ có một bước tiến dài, có nhiều điểm mới, mục tiêu là đảm bảo tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từng đồng tiền của người dân. Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo bàn tròn vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn xung quanh dự thảo luật. Một ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ví von, quy định về trách nhiệm, quyền của người quyết định chủ trương đầu tư và người quyết định đầu tư dự án cụ thể vẫn như một “dòng sông” êm đềm, chẳng vướng víu gì. Chưa xác định rõ vị trí, trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát các công trình, dự án cũng như chế tài xử lý nếu đầu tư sai, không hiệu quả. Mặc dù dự thảo có quy định về nội dung đánh giá  dự án đầu tư công, đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc, song nội dung vẫn khá hời hợt, chỉ đánh giá việc thực hiện có đúng nguyên tắc hay không, chưa nêu rõ hiệu quả cuối cùng như thế nào.

Một số Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cho rằng, đầu tư công là sử dụng tiền thuế đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp hoặc tiền vay nước ngoài. Cuối cùng, người dân vẫn là người có trách nhiệm đóng góp để trả nợ. Một thực tế nhức nhối trong những năm qua là thực trạng đầu tư quá dàn trải dẫn đến nợ đọng lớn. Việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra còn nhiều kẽ hở, cho nên  có những bộ, ngành, địa phương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp hai, ba lần nhu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Trong khi đó, dự án luật này không có điều khoản nào hạn chế những công trình quá “hoành tráng” khi đất nước còn nghèo, đời sống người dân không ít khó khăn. Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra thực trạng suốt một thời gian dài diễn ra chuyện “chạy” dự án, thậm chí “nghiện” dự án, còn hiệu quả như thế nào thì hạ hồi phân giải. Chính vì không xác định được trách nhiệm cá nhân nên không cắt được “cơn nghiện” dự án, nguồn lực Nhà nước tiếp tục bị thất thoát tiêu hao. Thế nhưng, dự thảo luật chưa quy định trách nhiệm cá nhân, chế tài xử lý đủ sức ngăn chặn, răn đe khiến người ta chùn tay, không dám đầu tư vô tội vạ.

Đầu tư công ở các ngành, địa phương trong cuộc “chạy đua” nhiều dự án, dẫn đến vốn rải khắp nơi, ngân sách phải trả lãi, công trình để cỏ mọc. Nếu chưa lấp được hết lỗ hổng pháp lý, không truy đến cùng trách nhiệm, thì không biết đến bao giờ mới chấm dứt được thực trạng này.