Trước Trung Quốc, “Sen đầm quốc tế” Mỹ chỉ còn là “Cảnh sát khu vực”

ANTĐ - Đã nhiều lần các học giả Nhật Bản lên tiếng bày tỏ sự chán nản về thái độ của Mỹ trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Mới đây nhất là bài viết chỉ trích Mỹ kịch liệt trên Tạp chí SAPIO.

Tạp chí SAPIO của Nhật số ra tháng 7 có bài viết đề cập đến vấn đề Trung Quốc triển khai 6 tàu sân bay hạt nhân cùng Mỹ thống trị Thái Bình Dương trong tương lai. Trong đó nhấn mạnh, tuy Mỹ đang giúp Nhật ngăn chặn Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng dường như Washington đang muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trên biển với Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã bày tỏ, trong chính sách ngoại giao của 2 nước, vấn đề bảo vệ quần đảo Senkaku là phù hợp với những điều khoản được quy định chặt chẽ trong “Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ”.

Tuy nhiên, Giáo sư Katsumi Sugiyama của Đại học Meikai (Meikai University) - Nhật Bản đã đưa ra lời cảnh cáo là trong chiến lược chuyển trọng tâm nhằm vào Trung Quốc của mình, Washington dường như không có ý định và sự chuẩn bị tâm lý để bảo vệ Tokyo. Điều này thể hiện trong những hành động của Hoa Kỳ, không hề giống như những lời họ đã nói.

Sau khi nhân loại bước sang thế kỷ 21, 2 cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan đã mang đến rất nhiều hệ lụy mà đầu tiên là việc nước Mỹ kiệt quệ về cả ý chí lẫn binh lực, dẫn đến xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng kéo dài, khiến Mỹ từ một “Sen đầm quốc tế hùng mạnh” từng bước trở thành một “Cảnh sát khu vực yếu ớt”.

Trước Trung Quốc, “Sen đầm quốc tế” Mỹ chỉ còn là “Cảnh sát khu vực” ảnh 1

Trước Trung Quốc, Mỹ đã từ một “Sen đầm quốc tế hùng mạnh” trở thành một “Cảnh sát khu vực yếu ớt”?


Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh một mặt tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ, mặt khác không ngừng đẩy mạnh chiến lược quân sự hướng biển, “chống tiếp cận/khu vực cấm”. Điều này làm cho quan hệ giữa 2 bên mang tính chất “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, khiến Mỹ không thể mạnh tay đối phó với Trung Quốc.

Bài viết của Tạp chí SAPIO nhận định, trước năm 2025, Bắc Kinh sẽ hoàn tất việc chế tạo và triển khai 6 tàu sân bay hạt nhân và khoảng 20 tàu ngầm hạt nhân, mục đích là khiến Washington phải “vui vẻ” dỡ bỏ hệ thống phòng thủ ở Đông Á, cùng Trung Quốc chia sẻ quyền thống trị châu Á - Thái Bình Dương. Đến lúc đó, Mỹ không thể không tìm kiếm và xây dựng một quan hệ đồng minh chiến lược với Trung Quốc.

Washington từng coi Bắc Kinh là “Kẻ cạnh tranh chiến lược” và luôn theo dõi sát sao sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng hiện nay Hoa Kỳ lại coi Trung Hoa Đại Lục là “Người cùng chung lợi ích”, đối xử với “kẻ thù của đồng minh” chả khác gì những người bạn thân thiết của mình.

Bài viết dẫn chứng, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã từng cao hứng phát biểu: “Nếu 2 cường quốc lớn nhất thế giới chúng ta, đều quan tâm đến mọi vấn đề của cộng đồng quốc tế thì sẽ mang lại hiệu quả tương hỗ rất lớn”.

Trước Trung Quốc, “Sen đầm quốc tế” Mỹ chỉ còn là “Cảnh sát khu vực” ảnh 2

SAPIO cho rằng Trung Quốc sẽ triển khai 6 tàu sân bay hạt nhân, cùng Mỹ thống trị Thái Bình Dương (Ảnh: Tàu sân bay thông thường số hiệu 16 "Liêu Ninh" của Trung Quốc)


Về lâu dài, đây chả khác gì một thông điệp mà Mỹ chuyển đến cho Trung Quốc là “đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc cùng phân chia thế giới”. Quan điểm này đã được giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đánh giá rất cao.

Trong 100 năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ xấu đi. Ngay cả trong những vấn đề nhạy cảm đối với Nhật Bản là các cuộc thăm viếng đền Yasukuni (Yasukuni Shrine) và vấn đề nô lệ tình dục trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ cũng có “nhận thức chung” và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển, thái độ của Mỹ ngày càng nghiêng về phía Trung-Hàn. Tuy Mỹ phải tuân theo một số chế ước trong “Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ” để đưa ra một số hành động kiềm chế Trung Quốc nhưng về cơ bản, Washington không muốn phát sinh xung đột quân sự với Trung Quốc. Các đồng minh của Mỹ nên có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ mình trước khi đã muộn.