Trước khi đưa gần 1,1 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE, hoạt động kinh doanh của OCB ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo gần 1,1 tỉ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông sẽ chính thức giao dịch từ ngày 28/1/2021.

Theo đó, gần 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu của OCB sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu là 22.900 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường khoảng 25.000 tỷ đồng. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.

Cùng thời điểm, Ngân hàng cũng đã công bố kết quả kinh doanh của năm 2020. Cụ thể, tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019.

Gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB sẽ chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 28/1 tới

Gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB sẽ chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 28/1 tới

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, năm 2020 đánh dấu những bước tiến trên con đường vươn mình trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu tại Việt Nam của OCB.

Trên thực tế, với tiềm lực tài chính, nguồn vốn vững mạnh, OCB có thể bứt phá hơn trong tăng trưởng và hiệu quả. Nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thị trường và yêu cầu nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ cơ quan quản lý nhà nước, OCB đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp ưu tiên hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2020, dư nợ tín dụng được tái cơ cấu như miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ… khoảng 1.000 tỉ đồng và hiện nhiều khách hàng được cơ cấu lại đang hồi phục tốt, Ông Tùng cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi về lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì Covid-19, CEO của OCB cho rằng, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ đánh giá hiệu quả lợi nhuận của một tổ chức qua con số tuyệt đối. Ngân hàng là một ngành kinh doanh gắn chặt với biến động của nền kinh tế, về cơ bản, khi việc kinh doanh tốt, ngân hàng phải có dự trữ cho những giai đoạn suy thoái.

Trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19, các ngân hàng cũng năng động chuyển đổi nguồn thu trong bối cảnh ưu tiên giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng. Như tại OCB, trong năm 2020, nhà băng này đang có một danh mục rất đa dạng, năng động để tăng khả năng sinh lời hiệu quả trong 3 năm gần đây, không chỉ tập trung vào nguồn thu từ tín dụng. Ngân hàng cũng có khẩu vị thận trọng về rủi ro tín dụng, luôn đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô bền vững đi cùng với chất lượng tài sản ngày một được nâng cao.