Trung Quốc xây dựng “Trạm dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu” tại Nam cực

ANTĐ - Trung Quốc đang khẩn trương mở rộng hoạt động ở Nam cực- vùng hẻo lánh xa xôi nhất thế giới bằng hoạt động khảo sát khoa học, đánh dấu lãnh thổ tại đây bằng việc xây dựng một trạm dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu đầu tiên.

Tờ China News đưa tin, sáng 30-10, đoàn khảo sát khoa học gồm 281 người của Trung Quốc đã lên đường đến Nam cực bằng con tàu “Tuyết Long”. Đây là chuyến hành trình lần thứ 31 của tàu này đến vùng Nam cực thực hiện nhiệm vụ khảo sát khoa học.

“Tuyết Long” là tàu phá băng khảo sát khoa học duy nhất hiện nay của Trung Quốc. Tàu này có trọng tải 21.250 tấn, dài 167 mét, rộng 22,6 mét, mớn nước khi đầy tải 9 mét, tốc độ tối đa 17,9 hải lý/giờ, hành trình liên tục 12.000 hải lý, thành viên đoàn 281 người, chịu được sóng gió cấp 12 trở lên, với tốc độ hành trình 2 hải lý/giờ tàu này có khả năng phá được lớp băng dày cỡ 1,2 mét.

 

Tuyết Long- Tàu phá băng khảo sát khoa học duy nhất của Trung Quốc

Trong chuyến đi này, đoàn các nhà khoa học của Trung Quốc sẽ trải qua 163 ngày với tổng hành trình 30.000 hải lý (khoảng 54.000 km).

Chủ nhiệm văn phòng khảo sát Nam cực thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, ông Khúc Thám Trụ cho biết, trong đợt hoạt động khảo sát tại Nam cực lần này, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên tiến hành xây dựng trạm dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, lắp đặt thử nghiệm các thiết bị hỗ trợ và máy thu tín hiệu của hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, trên cơ sở đó tiến hành phủ sóng hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu trên phạm vi toàn cầu.

 

Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng ở Nam cực

Được biết, để phục vụ cho tham vọng của mình, mới đây Trung Quốc đã mua một máy bay Basler BT-67 từ Mỹ, chuyên dùng để thực hiện công tác nghiên cứu tại Nam cực. Loại máy bay này có khả năng bay ở nhiệt độ -50 độ C, có thể làm nhiệm vụ cứu hộ cũng như nghiên cứu trong điều kiện khắc nghiệt nhất.