Trung Quốc tham vọng mở rộng lãnh thổ đến...Nam Cực

ANTĐ - Trung Quốc sẽ triển khai máy bay cánh cố định đầu tiên đến Nam Cực để thực hiện nghiên cứu khu vực này vào năm 2015, cũng như lên kế hoạch gửi đoàn thám hiểm khoa học thứ 31 đến đây để lựa chọn địa điểm xây dựng sân bay.

Thông tin được đăng tải trên Tân Hoa Xã hôm 28-10 cho biết, Trung Quốc đã mua một máy bay Basler BT-67 từ Mỹ để thực hiện nghiên cứu ở Nam Cực. Được biết, loại máy bay này có khả năng bay ở nhiệt độ -50 độ C, có thể làm nhiệm vụ cứu hộ cũng như ngiên cứu trong điều kiện khắc nghiệt nhất.

Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng ở Nam Cực

Báo cáo trích dẫn lời của ông Qu Tanzhou, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Bắc Cực và Nam Cực Trung Quốc nói thêm rằng,  chính phủ nước này cũng có kế hoạch gửi đoàn thám hiểm thứ 31 đến Nam Cực, dự kiến khởi hành vào ngày mai 30-10.

Đoàn thám hiểm sẽ lựa chọn một địa điểm để xây dựng sân bay cách khoảng 40 đến 50km từ trạm nghiên cứu Trung Sơn, nằm bên bờ Nam Cực, gần dãy đồi Larsemann, tây nam nước Úc.

Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng một mạng lưới hàng không ở miền đông Nam Cực nhằm hỗ trợ lĩnh vưc nghiên cứu, vận chuyển và ứng phó khẩn cấp. Những động thái này từ phía Trung Quốc chứng tỏ nước này đang khẩn trương mở rộng hoạt động ở vùng hẻo lánh xa xôi nhất thế giới.

Một số nước thành viên của Hiệp ước Nam Cực năm 1959 đã có cơ sở hoạt động nghiên cứu tại Nam Cực. Căn cứ theo mục đích của hệ thống hiệp ước, Châu Nam Cực được định nghĩa là toàn bộ vùng đất và khối băng phía Nam 60 độ vĩ Nam. Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào năm 1961 và có 47 quốc gia thành viên, bảo vệ Nam Cực  cho mục đích tự do nghiên cứu khoa học và nghiêm cấm các hoạt động quân sự trên châu lục này. 

Tuy nhiên, một số nước đang tiếp tục bày tỏ sự quan tâm của mình đối với quyền lãnh thổ ở các khu vực khác nhau của Nam Cực. Trong đó, Úc là quốc gia có yêu cầu lớn nhất.

Vương quốc Anh từng đòi chủ quyền khu vực này và đặt dưới quyền điều hành của Khối Thịnh vượng chung Úc năm 1933. Đây là lãnh thổ lớn nhất ở Nam Cực bị đòi chủ quyền. Từ khi Hiệp ước Nam Cực có hiệu lực năm 1961, Điều 1 nêu rõ "Hiệp ước không công nhận, tranh cãi hay xác lập bất cứ yêu cầu chủ quyền lãnh thổ nào, sẽ không có yêu cầu lãnh thổ nào được xác nhận khi hiệp ước còn hiệu lực", hầu hết các quốc gia trên thế giới không công nhận những đòi hỏi lãnh thổ ở Nam Cực của bất cứ quốc gia nào.