Trung Quốc phát triển J-15S để “tiếp dầu trên không”?

ANTĐ - Gần đây có rất nhiều thông tin cho rằng, phiên bản tiêm kích hạm 2 động cơ, 2 chỗ ngồi J-15S có năng lực “Tiếp dầu đồng đội” trên không. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt đã giải thích vấn đề này trong buổi trả lời phỏng vấn của tờ “Nhân dân nhật báo” Trung Quốc.

Ông Lý Kiệt cho rằng, có rất nhiều quốc gia phát triển phiên bản tiêm kích hạm 2 chỗ ngồi có chức năng “tiếp dầu đồng đội”. Bởi vì tiêm kích hạm 2 chỗ ngồi mang được lượng nhiên liệu lớn hơn, có thể huy động sử dụng trong nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho các tiêm kích hạm và máy bay chiến đấu thông thường.

J-15S là phiên bản máy bay chiến đấu trên hạm hạng nặng, 2 động cơ, 2 chỗ ngồi do Trung Quốc tự nghiên cứu, phát triển trên cơ sở loại tiêm kích hạm J-15 một chỗ ngồi. Nó bắt đầu bay thử chuyến đầu ngày 3-11-2012. J-15S được thiết kế theo kiểu buồng lái 2 chỗ ngồi trước, sau.

Kiểu thiết kế này rất có lợi trong tác chiến tầm xa, có thể thay đổi người lái khi cần, hoặc trong khi tác chiến sẽ điều khiển vũ khí linh hoạt hơn, đồng thời nó cũng giảm bớt áp lực bay đường dài cho phi công, nâng cao hiệu quả tác chiến. Ngoài ra, phiên ản 2 chỗ ngồi giúp cho J-15 mở rộng các chức năng tác chiến như: không chiến, tấn công mặt đất, đối hải, tác chiến điện tử, chống radar, tiếp dầu đồng đội…

Mô hình đồ họa của phiên bản J-15S

Cái gọi là “Tiếp dầu đồng đội” thực chất là chỉ khả năng tiếp dầu trên không cho những máy bay cùng chủng loại, thông thường trên máy bay được trang bị hệ thống tiếp dầu kiểu ống mềm, có thể tiếp dầu cho 1 hay nhiều máy bay cùng loại. Do cùng một loại máy bay hoặc kiểu tương tự nên quá trình tiếp dầu diễn ra nhanh chóng, đơn giản và an toàn hơn so với tiếp liệu bằng máy bay tiếp dầu chuyên dụng cỡ lớn.

Khi được hỏi, J-15S thực sự có khả năng “Tiếp dầu đồng đội” hay không, ông Lý Kiệt không trả lời thẳng vào câu hỏi, đồng thời không khẳng định, cũng không phủ định khả năng này mà cho biết, tiêm kích hạm có nhược điểm lớn là phạm vi hành trình ngắn hơn so với các loại máy bay chiến đấu cất cánh từ mặt đất, có nghĩa là bán kính tác chiến ngắn hơn.

Trong tình huống đó, nhiều quốc gia đã nghĩ ra các biện pháp như thiết kế thùng dầu lớn hơn để mang được nhiều nhiên liệu, nhưng như vậy sẽ phải hy sinh khả năng chất tải bom đạn, máy bay chỉ lắp đặt những vũ khí cần thiết nhất để tăng lượng dầu mang theo. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm giảm khả năng tác chiến của nó, máy bay chỉ có khả năng hoàn thành một hoặc một số nhiệm vụ hữu hạn.

Phiên bản J-15 với thiết kế 1 chỗ ngồi

Phát triển phiên bản 2 chỗ ngồi cũng không thể thay đổi các tham số kỹ thuật cơ bản của máy bay hoặc nâng cấp thế hệ của nó, bởi vì ngoại hình và hệ thống thiết bị đã mặc định những tham số kỹ thuật cơ bản của máy bay. Vì vậy, phát triển các phiên bản khác nhau để bù đắp những chỗ thiếu khuyết về tính năng kỹ thuật cho tiêm kích hạm là một hướng đi cần thiết.

Như vậy, khả năng J-15S có khả năng tiếp dầu cho các phiên bản khác vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng nếu Trung Quốc phát triển thành công chức năng tiếp dầu của J-15S, thì đó sẽ là bước đột phá trong nâng cao khả năng tác chiến cho tiêm kích hạm J-15. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn để J-15S tham gia tác chiến thì hiệu quả tác chiến cũng không cao mà lượng dầu tiếp cho máy bay khác cũng không lớn. Vì vậy, sử dụng J-15S làm phương tiện tiếp dầu chuyên dụng, tách rời nhiệm vụ tác chiến thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Khi không mang vũ khí thì toàn bộ tải trọng hữu ích của nó đều tập trung mang theo nhiên liệu, nâng cao tối đa hiệu quả tiếp dầu. Khi đó, đi kèm 1 tốp máy bay chiến đấu sẽ có vài chiếc J-15S không chất tải vũ khí đi kèm để tiếp dầu trên đường bay. J-15S có tốc độ cao hơn các máy bay tiếp dầu chuyên dụng nên không gây cản trở đến hành trình của tốp máy bay chiến đấu, lại góp phần nâng cao bán kính và hiệu quả tác chiến cho những tiêm kích hạm 1 chỗ ngồi.