Trung Quốc mất nhiều thứ nếu tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông

ANTĐ - Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull đưa ra nhận định của mình về hành vi hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.

Trung Quốc đang duy trì khoảng 114 - 120 tàu các loại

Chiều 1-7, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết Trung Quốc đang duy trì khoảng 114 - 120 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Trong ngày, các tàu Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp, cách giàn khoan từ 10 - 11 hải lý để thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tổ chức nhiều tàu áp sát, ngăn cản.

Cũng theo Cục Kiểm ngư, các tàu cá của ngư dân miền Trung vẫn tiến hành đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa cách giàn khoan 40 - 45 hải lý về hướng tây tây nam. Trên vùng biển này, khoảng 34 tàu cá vỏ sắt với sự hỗ trợ, hậu thuẫn của 2 tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, đe dọa tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam vẫn bám sát ngư trường và phối hợp với lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển tổ chức đấu tranh phản đối các hành động ngang ngược, gây hấn từ các tàu Trung Quốc.

Trung Quốc mất nhiều thứ nếu tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông

Những hành động diễu võ, giương oai của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây “chẳng mang lại lợi ích gì” đối với lòng tin an ninh khu vực, đó là nhận định của Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull trên tờ The Wall Street Journal.

Ông Malcolm Turnbull cho rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc gây phản tác dụng, hậu quả khiến “các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên gần Mỹ hơn bao giờ hết”, trong khi Trung Quốc không có bất kỳ đồng minh nào trong khu vực ngoài CHDCND Triều Tiên. Nếu căng thẳng ở biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng bị suy giảm.

Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng cảnh báo rằng tranh chấp chủ quyền, trong đó có tranh chấp ở biển Đông, là một trong những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát chung của giới lãnh đạo khu vực và thế giới. “Đó là lý do chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia kiềm chế các hành vi đơn phương hoặc ép buộc và mọi tranh chấp nên được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán và theo luật pháp quốc tế”, bà Bishop nói.

Theo dõi những hành động của Trung Quốc ở biển Đông, hai chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á Abe Denmark và Dan Blumenthal nhận định với chuyên san The National Interest (Mỹ) rằng Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cách nhìn nhận về bản thân và vai trò của họ trong 15 năm qua, gây ra những tác động trực tiếp đến các nước láng giềng. Những gì Trung Quốc đang làm chẳng khác gì những hành vi của Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi tìm kiếm bá quyền ở biển Caribe và châu Mỹ.

Trung Quốc tự xem mình là một cường quốc đang lên không còn yếu như trước. Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ luôn ở thế mạnh trong một cuộc xung đột leo thang. Do đó, Trung Quốc không ngần ngại tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông, tăng cường khả năng bảo vệ những tuyên bố đó và tìm kiếm nguồn tài nguyên dưới đáy biển.

Theo ông Denmark, những diễn biến trong chính phủ và xã hội Trung Quốc có liên quan tới những hành vi hung hăng của nước này ở biển Đông và một số nơi khác. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận ra sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước này có thể gây ra thách thức nội tại đối với quyền lực của họ. Vì thế, họ đang tìm cách nâng cao chủ nghĩa dân tộc trong nước trước nguy cơ kinh tế phát triển chậm lại.

Chuyên gia đưa ra gải pháp ngăn chặn xung đột

Chuyên gia Blumenthal khẳng định biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, cho rằng nước này phải bỏ lập trường trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ. Ông Blumenthal nói chính sách của Mỹ nên có phần giữ nguyên hiện trạng, thậm chí có thể bao gồm việc bảo vệ tàu cá Việt Nam trở lại ngư trường. Ông còn cảnh báo nếu Mỹ không tận dụng cơ hội hiện nay để tạo cấu trúc liên minh mà họ muốn ở châu Á, thì sẽ không còn cơ hội nào khác.

Chuyên gia Denmark cũng nhất trí rằng tình trạng các nước chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc đang mang lại nhiều cơ hội cho Mỹ, nhưng Washington phải đảm bảo với các đồng minh rằng họ sẽ được hỗ trợ trong trường hợp gặp khủng hoảng hoặc xung đột. Ông Denmark còn đề xuất Mỹ hợp tác tình báo, giám sát, do thám với các đồng minh ở châu Á đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Chuyên gia Denmark còn nhất trí việc kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở biển Đông.

Ấn Độ cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ đòi hỏi chủ quyền nào của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc công bố bản đồ mới không chỉ bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông mà còn gộp luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc khiến Ấn Độ coi đây là hành động khiêu khích, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 1-7 đưa tin.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra thông cáo phản đối tấm bản đồ dọc Trung Quốc mới xuất bản, khẳng định “bản đồ không thay đổi được thực tế trên thực địa”, đồng thời nhấn mạnh bang Arunachal Pradesh là vùng lãnh thổ không thể chối cãi do Ấn Độ kiểm soát. 

Tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc xuất hiện không lâu sau chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Chuyến công du của ông Vương nhằm mục đích thiết lập tầm cao mới cho mối quan hệ cùng có lợi giữa hai người khổng lồ châu Á. 

Trung Quốc công bố bản đồ dọc, gộp luôn cả bang Arunachal Pradesh
của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc

Kể từ cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1962, quan hệ Trung-Ấn chưa bao giờ lặng sóng gió. Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, còn New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000km2 lãnh thổ trên cao nguyên Himalaya. Quan hệ giữa hai cường quốc mới nổi luôn căng thẳng với những vụ đột nhập, va chạm dọc biên giới và hàng loạt cuộc đàm phán đổ vỡ. Trung Quốc vẫn thường lên tiếng phản đối mỗi khi quan chức Ấn Độ từ New Delhi công cán tới Arunachal Pradesh.

Phản ứng về bản đồ mới của Trung Quốc, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, đã lên án Trung Quốc đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ. Ông Tuki kiến nghị chính phủ của Thủ tướng Modi lập kênh phản đối Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh đàm phán để tìm giải pháp.