Trung Quốc lộ hình tượng "nước lớn xấu xí" sau bão Haiyan?

ANTĐ - Ngày 19-11, trang mạng “Tin tức Hoa kiều” - một tờ báo Hoa ngữ ở Nhật Bản có đăng tải bài viết với tiêu đề “Nhật điều quân giúp Philippines "nhân danh cứu nạn, thực tế luyện binh"” và nhận định, qua cơn bão “Haiyan” mới nhận thấy Nhật có rất nhiều ý đồ xung quanh vấn đề viện trợ, cứu nạn.

Bài viết này cho rằng, Nhật phát động một đợt cứu trợ quy mô lớn, ngoài việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế ra, còn có rất nhiều ý đồ khác. Thứ nhất, Nhật muốn mượn cơ hội cứu hộ Philipines để diễn tập quân sự quy mô lớn ở ngoài lãnh thổ Nhật; Thứ hai, cứu hộ cứu nạn sẽ trở thành biện pháp quan trọng cho Nhật tăng cường quan hệ đồng minh; Thứ ba, dọn đường cho việc nhập khẩu máy bay “Osprey”; Thứ tư, là kiểm nghiệm hiệu quả thực hiện sau khi sửa đổi “Luật lực lượng phòng vệ”.

Siêu bão “Haiyan” tràn qua đã tàn phá nặng nề đối với đất nước và con người Philippines. Cộng đồng quốc tế nhanh chóng triển khai các gói viện trợ. Đồng thời với đó, máy bay, tàu chiến của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Canada, Israel, Tây Ban Nha, Malaysia… đã ồ ạt kéo đến đất nước này, làm cho Tacloban và tỉnh Leyte biến thành điểm tập kết quân sự của nhiều nước.

Trong các bên cứu trợ thì tinh thần cứu hộ của Nhật Bản thể hiện vô cùng tích cực và khẩn trương. Ngày 9-11, Philipines gặp nạn, ngay ngày hôm sau, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gửi điện cho tổng thống Benigno Aquino III, bày tỏ Nhật đã triển khai công tác chuẩn bị giúp đỡ Philipines. Ngoài việc ủng hộ vật tư, hàng hóa cứu trợ, Nhật đã điều một lực lượng cứu hộ quốc tế quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Tiếp sau khi điều 50 nhân viên đội cứu hộ tiên phong vào ngày 12, ngày 15-11, bộ trưởng quốc phòng Nhật Onodera lại ra lệnh điều tiếp lực lượng cứu trợ, với số lượng từ 50 tăng lên 1.180 người. Đồng thời, nước này còn cử 3 tàu chiến cỡ lớn, bao gồm tàu bổ trợ Towada, tàu vận tải đổ bộ LST 4002 Shimokita và tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga DDH-182 "Ise"; 8 máy bay vận tải và 6 máy bay trực thăng hạng nặng đến giúp đỡ Philipines.

Philippines chỉ muốn Nhật viện trợ vật tư và tiền bạc nhưng hơn thế, Nhật còn điều động số lượng lớn quân lính đến giúp đỡ. Liên tưởng đến các cuộc diễn tập chung giữa Nhật và Mỹ mấy năm trở lại đây và nội dung khoa mục diễn tập quân sự của Nhật, không khó để nhận biết, ngoài đối kháng hỏa lực thực binh, điều động quân đội quy mô lớn đã trở thành sức mạnh quân sự mang tính quan trọng được Mỹ và Nhật quan tâm chú ý.

Trung Quốc lộ hình tượng "nước lớn xấu xí" sau bão Haiyan? ảnh 1

Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga DDH-182 "Ise" cùng 2 tàu khác đã đến cứu trợ Philippines


Thông qua hành động cứu hộ lần này, Nhật không chỉ rèn luyện khả năng di chuyển tốc độ cao của lực lượng tự vệ, mà còn là lần đầu tiên nước này diễn tập bố trí lực lượng quân sự ở nước ngoài quy mô lớn kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đồng thời với đó, thông qua việc này, Nhật muốn cho thế giới biết rằng, một khi có chiến sự xảy ra xung quanh, lực lượng tự vệ Nhật hoàn toàn có thể nhanh chóng điều động và tập hợp lực lượng để ứng phó được ngay.

Cứu hộ cứu nạn đã trở thành biện pháp quan trọng để Nhật tăng cường quan hệ đồng minh. Kể từ sau trận “Đại động đất và sóng thần Tōhoku” ngày 11-03-2011, bất luận là quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ, hay lãnh đạo chính phủ và quân đội Nhật đều nhiều lần bày tỏ quan điểm, đa dạng hóa hoạt động cứu hộ, cứu nạn đã trở thành một bộ phận để hai nước thúc đẩy làm sâu sắc quan hệ đồng minh, việc này đã trở thành định hướng quan trọng và biện pháp phối hợp lực lượng diễn tập, tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Tiếp theo, Nhật muốn thông qua cứu trợ Philipines để dọn đường cho việc nhập khẩu máy bay vận tải “Osprey” của Mỹ. Nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, Tokyo không ngừng mua sắm vũ khí trang bị tiên tiến từ Washington, ngoài máy bay chiến đấu chủ lực F-35, mua máy bay vận tải cánh quạt nghiêng cỡ lớn này cũng là một ưu tiên hàng đầu của Nhật. Nhưng do loại máy bay này thường xảy ra sự cố, nên việc mua sắm máy bay này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận Nhật.

Trong đợt cứu trợ cho Philippines vừa qua, 3 quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng Nhật đã đích thân “cưỡi” Osprey đi thị sát tình hình. Điều đó nhằm chứng tỏ loại máy bay này là tuyệt đối an toàn, thể hiện được tính năng ưu việt, tốc độ cao, hành trình liên tục trong cự ly xa trong thực hiện hoạt động cứu hộ, làm cho mọi người thấy được vai trò tích cực của  nó, để ủng hộ chính phủ Nhật mua loại máy bay này của Mỹ.

Cuối cùng, sau khi sửa đổi “Luật quốc phòng” mới, đây là lần tiến hành hoạt động cứu trợ quốc tế đầu tiên của lực lượng tự vệ Nhật Bản. Luật mới này cho phép lực lượng tự vệ thực hiện nhiệm vụ vận tải trên bộ lúc sơ tán kiều bào ở nước ngoài. Để bảo đảm an toàn cho kiều dân và doanh nghiệp của Nhật ở nước ngoài, Nhật Bản đã sử dụng từ máy bay, tàu thuyền cho đến xe cộ để vận tải. Theo thống kê, sau cơn siêu bão này đi qua, có hàng trăm người dân Nhật gặp nạn tại Philippines, trong đó phần lớn đều mất liên lạc.

Trung Quốc lộ hình tượng "nước lớn xấu xí" sau bão Haiyan? ảnh 2

Hàng cứu trợ khẩn cấp được các nước chuyển đến Philippines


Theo như lời người Nhật Bản thì đây là hành động tri ân của Nhật đối với Philipines trong đợt động đất - sóng thần ở Tōhoku - Nhật Bản tháng 3 năm 2011. Khi đó, Philippines đã nhiệt tình giúp đỡ Nhật một cách vô tư nhất, nên lần này là cơ hội tốt để người Nhật đền đáp ân nghĩa đó. Tuy nhiên, “Tin tức Hoa kiều” lại cho rằng đây là cơ hội quan trọng để nước này kiểm nghiệm hiệu quả thực hiện luật lực lượng tự vệ mới nhằm thực hiện những ý đồ đằng sau đó.

Trong khi đó, hãng tin Nhật Kyodo News ngày 14.11 cho biết, một khảo sát trực tuyến của website Tencent Holdings Ltd., với trên 80.000 người Trung Quốc cho kết quả bất ngờ: 84% số người được hỏi đã nêu ý kiến phản đối việc Trung Quốc cứu trợ cho nạn nhân siêu bão Hải Yến ở Philippines, mặc dù đây là một nhiệm vụ nhân đạo, cứu trợ nhân dân, không hề liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Chính phủ các nước. Kết quả cuộc khảo sát được công bố lúc 20 giờ tối 14.11 trên website của Tencent.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương nói rằng kết quả này không phản ánh tình cảm thật sự của người dân Trung Quốc về thảm họa này. Được biết, sau khi siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines, Trung Quốc đã thông báo viện trợ ban đầu 100.000 USD cho Philippines khắc phục hậu quả. Việc làm này khiến dư luận thế giới chỉ trích vì số tiền viện trợ quá nhỏ bé, với vị thế cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới của Trung Quốc.

Mới đây ông Tần Cương phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc quyết định tăng mức cứu trợ thêm 1,64 triệu USD bằng hiện vật gồm lều, chăn mền và hàng hóa khác. Tuy vậy giá trị hỗ trợ này của Trung Quốc, nước đang có tranh chấp kịch liệt với Philippines về chủ quyền một số đảo trên biển Đông, vẫn còn quá nhỏ so với các nước khác như Mỹ (20 triệu USD và cử đội tàu sân bay đến cứu trợ), hay một số công ty lớn của thế giới như Ikea (2,7 triệu USD), Coca Cola (2,5 triệu USD)...