Trung Quốc liên tiếp phá giá Nhân dân tệ: Thị trường "ngấm đòn"

ANTĐ - Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ lần thứ ba trong vòng 3 ngày tạo ra cú sốc đối với thị trường thế giới. Thị trường trong nước cũng chịu tác động không nhỏ khi chứng khoán đỏ sàn, USD tăng kịch trần và giá vàng biến động chóng mặt. 
Trung Quốc liên tiếp phá giá Nhân dân tệ: Thị trường "ngấm đòn" ảnh 1

Nhà đầu tư tìm nơi “trú ẩn” an toàn khiến giá vàng tăng vọt

VN-Index mất ngưỡng 600 điểm

Hôm qua (13-8), thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến ngày “đỏ sàn” thứ ba. Chỉ số 

VN-Index để mất ngưỡng 600 điểm sau khi đánh mất thêm 9,98 điểm và lùi về mức 594,26 điểm. Tâm lý thị trường vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc liên tục phá giá Nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh biên độ tỷ giá. Hoạt động bán diễn ra với cường độ mạnh và rộng khắp ở hầu hết các nhóm, ngành. Bên bán có phần mất bình tĩnh, trong khi sức mua yếu.

Sàn HNX cũng ngập trong sắc đỏ, đóng cửa ngày giao dịch, HNX-Index giảm 1,31 điểm xuống còn 81,43 điểm. Thanh khoản thận trọng lùi về mức thấp. Đánh giá về rủi ro từ việc Trung Quốc liên tiếp phá giá Nhân dân tệ và biến động tỷ giá trong nước, ông Nguyễn Thế Minh - chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ ở mức mạnh, mỗi lần phá giá đều trên 1%. Việc này ảnh hưởng lớn tới tình hình xuất nhập khẩu và tác động sâu rộng tới tình hình sản xuất của các nước trong khu vực.

Phá giá Nhân dân tệ cũng dẫn tới việc các đồng tiền khác trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng, đặc biệt là các thị trường mới nổi. “Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ, VND sẽ khó tránh khỏi việc tiếp tục phải phá giá. Tài sản của các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam sẽ bị sụt giảm dần do đồng tiền mất giá. Những yếu tố nói trên đã tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán trong các phiên vừa qua”, ông Minh phân tích. 

Chuyên gia của VCSC cho rằng, dù việc nới biên độ tỷ giá có lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản nhưng việc phá giá ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Bản chất của mỗi doanh nghiệp nhìn chung đều có xuất và nhập khẩu nên việc phá giá đồng tiền sẽ tác động theo hướng cân đối. Khó có thể định lượng những tác động từ các yếu tố tích cực cũng như tiêu cực. Nhưng nhìn chung, đối với nhà đầu tư, khi đồng tiền bị phá giá thì giá trị tài sản cũng sẽ giảm theo và điều này tác động mạnh tới tâm lý.

Việc phá giá đồng tiền cũng có tác động kích thích thêm những dòng tiền mới của nhà đầu tư nước ngoài. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân giống như đi mua một tài sản giá rẻ. “Trong 2 - 3 phiên trở lại đây, thị trường giảm điểm mạnh, bất ngờ nhất là việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ lần thứ ba, khiến thị trường đi theo xu hướng tiêu cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sẽ có những đợt hồi phục ngắn, đà giảm của các chỉ số đang yếu dần. Các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu không nên có hành động bán tháo”, ông Minh khuyến nghị.  

Vàng tăng gần 1,8 triệu đồng/lượng

Mở cửa lúc 8h30, giá vàng miếng SJC được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở ngưỡng 33,68 – 33,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng hơn so với giá đóng cửa cuối ngày hôm trước 180.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng tăng khá mạnh lên sát ngưỡng 1.127 USD/ounce do ảnh hưởng từ thông tin Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ so với USD.

 

Tuy nhiên, đến cuối ngày, mức giá được điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá buổi trưa. Như vậy, so với mức giá mở cửa ngày 12-8, giá vàng đã tăng hơn 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và gần 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. 

Trước diễn biến nhanh và bất ngờ, chênh lệch giá mua vào và bán ra được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giãn rộng từ 200.000 – 800.000 đồng /lượng nhằm giảm rủi ro. Chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới cũng tăng lên tới mức 4,9 triệu đồng lượng. Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách mua vào tích trữ ít hơn so với lượng khách bán ra (30% khách mua vào, 70% lượng khách bán ra) trong phiên buổi sáng. Trong khi đó, Phòng Kinh doanh vàng DOJI lại ghi nhận lượng khách mua tăng đột biến bởi lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo các chuyên gia, việc phá giá đồng tiền được xem là cuộc chiến tranh tiền tệ, qua đó cho thấy rủi ro tăng lên trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ còn ở một nước cụ thể nào. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư sẽ tìm tới nơi “trú ẩn” an toàn nhất hoặc kênh đầu tư ít rủi ro nhất. Và vàng chính là nơi các nhà đầu tư tìm đến trong giai đoạn nhiều rủi ro như hiện nay. 

Đối với tỷ giá, ghi nhận trong ngày 13-8 cho thấy, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng gần hết biên độ, thậm chí có ngân hàng niêm yết ở mức “kịch trần” - 22.106 VND/USD. Đến cuối ngày, giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) niêm yết ở mức 22.035 – 22.105 VND/USD; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) niêm yết ở mức 22.030 – 22.106 VND/USD.

Nhìn chung với biên độ rộng, giá USD được các ngân hàng giao dịch ở nhiều mức khác nhau. Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, sau khi NHNN điều chỉnh biên độ, thị trường liên ngân hàng biến động tương đối mạnh. Các ngân hàng thương mại cũng thực hiện điều chỉnh tỷ giá niêm yết theo thị trường để kịp thời cân đối nhu cầu cho khách hàng. 

“Thời điểm cuối năm, cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh. Cung ngoại tệ có khả năng tăng do điều chỉnh của NHNN có tác động tích cực đến xuất khẩu. Với định hướng điều chỉnh tỷ giá mục tiêu 2% và biên độ tỷ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả. Thực tế, Vietcombank vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, áp lực tỷ giá trong vòng 4 tháng từ nay tới cuối năm cũng sẽ như diễn biến các năm và có thể không đáng lo ngại”, ông Phạm Thanh Hà đánh giá.