Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ đen tối trên Biển Đông

ANTĐ - Hàng loạt hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông như cải tạo đất và xây đảo nổi trái phép ở bãi đá ngầm Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), công bố hoàn thành đường băng sân bay ở Hoàng Sa, mở rộng sân bay ở đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đang ngày càng lộ rõ mưu thâm độc của quốc gia này ở Biển Đông. Tất cả những hành động này của Trung Quốc đều nhằm tới cùng một mục đích: thay đổi hiện trạng Biển Đông, lập ADIZ và hiện thực hóa “đường lưỡi bò”… gây những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế.
Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ đen tối trên Biển Đông ảnh 1

Mưu đồ của Bắc Kinh với các nước láng giềng

Theo tiết lộ của tờ Want Daily số ra ngày 21-10 mới đây, hoạt động cải tạo địa hình mà Trung Quốc ráo riết tiến hành tại các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông đã biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành “đảo” lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là củng cố một vị trí chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước đó, Hãng tin Tân Hoa xã ngày 8-10 cho biết, Trung Quốc đã mở rộng đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đường băng sân bay “đã hoàn thành”. Vậy là sau 2 năm đơn phương tuyên bố xây dựng thành phố Tam Sa ở trung tâm đảo Phú Lâm của Việt Nam, nay Trung Quốc công khai hoàn tất xây dựng đường băng dài 2.000m cho máy bay quân sự. Đây là động thái mới nhất trên thực địa nhằm khẳng định cái họ gọi là chủ quyền của mình ở Hoàng Sa của Việt Nam.   

Đảo Phú Lâm có chiều dài Đông - Tây là 1.850m, Nam - Bắc rộng 1.160m, diện tích đảo 2,6 km2, là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, cũng là đảo lớn thứ ba ở Biển Đông do Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Trung Quốc thậm chí đã “ngông cuồng” tuyên bố đảo Phú Lâm chính là trung tâm quân sự, chính trị, văn hóa của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield. Các công trình phi pháp mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm gồm có tòa nhà Chính phủ, ngân hàng, bưu điện, sân bay...  

Một số nhà phân tích cho rằng đây là động thái nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền phi lý. Ni Lexiong - người đứng đầu cơ quan nghiên cứu chính sách quốc phòng quốc gia tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho rằng “Đường băng mới sẽ trở thành tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc vì nó sẽ trở thành một căn cứ cất cánh và hạ cánh lý tưởng cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc”. Ông này cũng cho hay mục đích của việc công bố các bức ảnh về đường băng mới là một mưu đồ của Bắc Kinh nhằm gửi đi một cảnh báo với các quốc gia láng giềng và Mỹ rằng, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Điều này xảy ra sau sự việc Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có việc ký kết hiệp ước quốc phòng mới với Philippines hồi tháng 4 vừa qua và dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào đầu tháng 10 này. “Sự phát triển mới nhất trên đảo Phú Lâm nhằm cảnh báo Washington rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Mỹ bắt tay với các quốc gia trong khu vực nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm tàng nào liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ trong tương lai”, ông Ni nói.

Sau khi đăng những thông tin về việc hoàn thành mở rộng sân bay trên đảo Phú Lâm, Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 21-10 dẫn lời các học giả Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang thúc đẩy việc biến một bãi đá chiến lược thành đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giới phân tích cho rằng việc mở rộng bãi Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo phi pháp cuối cùng sẽ tạo ra một tiền đồn về mặt quân sự lẫn dân sự ở Biển Đông.  

Bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, nhưng lại chỉ cách đảo Trường Sa lớn của Việt Nam khoảng 110 km và cách bộ chỉ huy của Philiphine khoảng 225 km. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình ngông cuồng cho rằng, nếu đảo Đá Chữ Thập trở thành căn cứ không quân sẽ giúp Trung Quốc khống chế thực chất vùng trời tại Biển Đông. Nếu kết hợp với các bãi ngầm khác, hình thành căn cứ hải, không quân, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng quân sự rất khó đánh bại. 

Theo ông Kim Xán Vinh (Giáo sư quan hệ quốc tế thuộc ĐH Nhân dân Bắc Kinh), việc mở rộng đá Chữ Thập nhanh hơn dự kiến và có thể đã lớn hơn cả đảo Ba Bình (đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa). Wan Han Ling, chuyên gia Biển Đông tại Viện KHXH Trung Quốc cho rằng, Đá Chữ Thập hiện có diện tích khoảng 1 km vuông và hoạt động lấn biển tại đây có thể vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên ông Kim cũng cho rằng, khó có khả năng Trung Quốc sẽ đặt lại tên Đá Chữ Thập thành đảo, bởi điều này “liên quan đến luật pháp quốc tế và sẽ rất phức tạp”. 

Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ đen tối trên Biển Đông ảnh 2

Lộ rõ ý đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Báo giới Đài Loan đăng tin, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan - Lý Tường Trụ tiết lộ, hiện nay Trung Quốc đang tiến hành lấp biển xây đảo tại 7 điểm thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có 5 đảo do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định, mục tiêu là nhằm “pháo đài hóa đảo nhỏ” và “trận địa hóa đảo lớn”. Theo quan sát, cùng với bãi Gạc Ma, sau khi hoàn thành cải tạo mở rộng, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh - Li Jie, một cựu quan chức quân đội Trung Quốc, cho rằng đường băng mới tại đảo Phú Lâm có thể mở đường cho Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Đồng quan điểm này, một quan chức an ninh cấp cao Philippines nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trên Biển Đông sau khi hoàn tất dự án xây dựng căn cứ quân sự trên 4 bãi đá Châu Viên, Ken Nan, Ga Ven, và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Các báo cáo khác cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ cho lực lượng hải quân trên Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Sau khi hoàn thành, căn cứ này sẽ có kích thước gấp đôi căn cứ Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. 

Ngày càng bộc lộ rõ mưu đồ của “kẻ xâm lược”

Cùng với việc Trung Quốc đẩy nhanh phát triển hải quân nước sâu, quân đội Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn. Việc tranh đoạt Biển Đông của Trung Quốc đã có sự phát triển mới nhất, Trung Quốc đang có ý định thông qua việc kéo hàng triệu tấn đất đá, cát, không tiếc bỏ ra vài tỷ USD để tạo ra đảo mới ở khu vực này, nhằm củng cố yêu sách của họ ở quần đảo Trường Sa. 

Vấn đề là tham vọng bành trướng của Trung Quốc không giới hạn. Những hành động của Trung Quốc đang công khai cho cả thế giới thấy rõ mưu đồ đen tối của mình. Những hành động phi pháp đó đang bị phản ứng mạnh mẽ. Tờ “The Bulletin” Canada ngày 17-10 đăng bài viết “Điểm nóng Biển Đông” cho rằng, cùng với sự phát triển của hải quân tầm xa Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc trở nên ngày càng hiếu chiến. Theo bài báo, bất chấp luật pháp quốc tế Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền bất hợp pháp đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, đồng thời Trung Quốc cũng trao quyền cho hải quân nước này có thể dùng vũ lực trục xuất ở quy mô lớn tàu thuyền của các nước truyền thông Trung Quốc cố gọi là “kẻ xâm lược” mà không hề cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, những hành động này của Trung Quốc đã cung cấp một lý do thuyết phục để Hải quân Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự ở Đông Á.

GS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an: Trung Quốc không có cơ sở pháp lý tại vùng lãnh thổ cưỡng chiếm của Việt Nam

Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ đen tối trên Biển Đông ảnh 3
Trước hết, việc Trung Quốc “úp mở” việc hoàn thành sân bay tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và việc tiến hành cải tạo đảo Đá Chữ Thập là để tranh thủ sự ủng hộ đồng tình bên trong của hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Đây là cách Trung Quốc vẫn làm, giành thế chủ động coi đó là chuyện riêng của Trung Quốc. Thứ hai, quần đảo Hoàng Sa Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1974, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như Công ước biển năm 1982, vùng lãnh thổ bị cưỡng chiếm bằng vũ lực không tạo ra cơ sở pháp lý cho nước đi chiếm. Vì vậy việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào cả. Cộng đồng quốc tế phải thấy rõ bản chất của Trung Quốc. Cũng giống như việc Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa sau này, hành động của họ là phi pháp, không cho phép họ khẳng định chủ quyền về pháp lý ở Hoàng Sa và Trường Sa. 

Có thể nói thái độ của Trung Quốc là hết sức ngạo mạn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý. Chính Trung Quốc đã phản bội những cam kết của họ đối với Việt Nam. Gần đây nhất là năm 2011, đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký tuyên bố chung với TBT Hồ Cẩm Đào 6 nguyên tắc. Tiếp đó vào tháng 6 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tuyên bố chung với Chủ tịch Tập Cận Bình, và đến tháng 10 năm 2013 Thủ tướng Lý Khắc Cường sang Việt Nam ký tuyên bố chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy trong vòng 2 năm Trung Quốc đã ký 3 tuyên bố chung cam với Việt Nam kết về giữ nguyên hiện trạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, sau đó họ bắt đầu lật lọng. Đầu tiên là việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó là việc xây Gạc Ma thành căn cứ quân sự và hiện nay đang tiến hành cải tạo xây đảo Đá Chữ Thập. Những hành động này của Trung Quốc vi phạm thô bạo hiến chương Liên hiệp quốc, vi phạm Công ước biển năm 1982, vi phạm tuyên bố ứng xử chung DOC. Chúng ta cần phải quyết liệt lên án hành động này của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, sau khi hoàn thành việc cải tạo Gạc Ma và Chữ Thập thành 2 căn cứ quân sự, từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa đến Chữ Thập và đến Gạc Ma sẽ tạo thành một thế phòng thủ chiến lược từ xa. Tàu của Mỹ và nước ngoài sẽ không thể tiếp cận Trung Quốc được.