Báo chí Pháp bình luận:

Trung Quốc đang chơi trò cưỡng ép và răn đe trên Biển Đông

ANTĐ - “Khiêu khích”, “đe dọa”, “hiếu chiến”, “đơn phương trái phép”, “áp đặt” hay “sự đã rồi” là những thuật ngữ mà hai tờ báo lớn của Pháp Le Monde và Les Echos số ra ngày 23-6-2014 nêu để phân tích tình hình trên biển Đông và tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trung Quốc đang chơi trò cưỡng ép và răn đe trên Biển Đông ảnh 1
Ngày 23-6, nhật báo Le Monde đăng tải bài bình luận có tựa đề
“Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình trên Biển Đông

Sự thật từ những “thước phim sống”

“Bài đinh” trên nhật báo LeMonde số ra ngày 23-6 là bài phóng sự có đầu đề “Rượt đuổi trên các đảo Paracels”, (“Paracels” - từ tiếng Pháp để chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), của phóng viên thường trú tại Đông Nam Á Bruno Philip - người vừa có chuyến đi thực tế tới khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Với tư cách là nhân chứng có mặt trên tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, tác giả đã miêu tả chân thực những sự kiện tận mắt chứng kiến khi các tàu của Trung Quốc rượt đuổi, đe dọa sự an toàn hàng hải đối với các tàu của Việt Nam; và việc các lực lượng  thi hành pháp luật của Việt Nam đã mưu trí, dũng cảm thoát khỏi “cạm bẫy” của các tàu Trung Quốc, vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy ngày 14-6. 

 “…Lúc này, tàu của Việt Nam tiếp cận gần 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc để đấu tranh, tuyên truyền, đến mức người ta có thể phân biệt rõ ràng các cấu trúc, màu trắng đỏ và biển số của tàu: 2101 và 32 101. Thuyền trưởng Việt Nam khéo léo cho lách qua mạn trái, và ngay lập tức, hai chiếc tàu Trung Quốc truy đuổi. Với chiến thuật dùng tốc độ cao, hai chiếc tàu này lao lên đầy đe dọa”. Tác giả cũng cho biết đã thấy “trên tàu Kiểm ngư của Trung Quốc có súng máy 12 ly 7, cộng với nòng một khẩu pháo 20 ly đã tháo bạt”.

Trong bài phóng sự, tác giả cũng nêu rõ Trung Quốc chỉ có mặt ở Hoàng Sa kể từ khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và trước đó, quần đảo này thuộc quyền quản lý của chế độ Việt Nam cộng hòa. Tác giả đã trích dẫn khẳng định của nhà sử học Trần Đức Anh Sơn về việc Việt Nam có chủ quyền pháp lý đầy đủ của mình từ thời vua Gia Long (năm 1816) “đã thu thuế đối với dân chài tại Hoàng Sa”. Tới đầu những năm 1920, chính quyền thực dân Pháp cũng đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này bằng việc xây dựng một ngọn đèn hải đăng, đài phát sóng trên đảo Pattle (Hoàng Sa) và một trạm khí tượng ở đảo Boisée (Phú Lâm). Tuy nhiên, bất chấp việc Việt Nam khẳng định và tuyên bố có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn ngang nhiên hành xử không tuân thủ luật pháp quốc tế với ý đồ “độc chiếm” toàn bộ Biển Đông. 

Với tư cách là nhân chứng trực tiếp ra nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tác giả đã vạch trần những lời vu cáo từ phía Trung Quốc về việc các tàu của Việt Nam “chủ động va chạm” với các tàu của Trung Quốc 1.547 lần kể từ ngày 2-5. Chính những video về việc tàu của Trung Quốc phun vòi rồng và đặc biệt là đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ngày 26-5 là sự thật.

 “Trung Quốc đã tận dụng ưu thế về số lượng tàu chiến, điều mà cách đây mấy ngày Trung Quốc còn phủ nhận. Tuy nhiên thực tế là ngày 14-6, chỉ cách chúng tôi có vài sải cáp, chúng tôi đã thấy một tàu hộ tống quân sự của Trung Quốc lướt qua, màu xám của nó hòa lẫn vào đại dương” - phóng viên Bruno Philip khẳng định.

Trong khi đó, ngày 23-6, nhật báo Le Monde đăng tải bài bình luận có tựa đề “Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình trên Biển Đông” của nhà báo Brice Pedroletti, thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh. Tác giả nhận định Trung Quốc đang chơi trò “cưỡng ép và răn đe” đối với các nước láng giềng trong các xung đột lãnh hải gần đây như Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines. 

Đồng thời tác giả cũng khẳng định những hành động vừa qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc đối với các nước láng giềng khu vực đang phá vỡ tính nguyên trạng và ổn định của khu vực trong cái gọi là “quyền lịch sử” và làm dấy lên những nghi ngờ, lo ngại về tính thực tế của “sự trỗi dậy hòa bình”.

Theo tác giả, những hành động thái quá đó của Trung Quốc được giải thích bởi hai yếu tố: Thứ nhất, Trung Quốc đang cuống cuồng giành giật lại chiến lược “trục châu Á” của Hoa Kỳ khi trong những tháng gần đây Hoa Kỳ hỗ trợ các đồng minh Nhật Bản và Philippines. Chính vì thế, “xoay trục” của Mỹ gặp ngay “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Thời điểm này, Trung Quốc đã vẽ ra “đường lưỡi bò” hòng giành “thế thượng phong” của kẻ cướp nhà nghề. Thứ hai, Trung Quốc khao khát trở thành một cường quốc hải quân. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012. 

Bài bình luận đã trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia phương Tây về hải quân, Bắc Kinh có 4 động cơ trong công cuộc chinh phục không gian lãnh hải, gồm: Tìm một lối vào vùng biển sâu cho hạm đội và căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Hải Nam; Bảo vệ và khống chế các tuyến lưu thông hàng hải; Bảo đảm an ninh cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dầu khí; Thỏa mãn nhu cầu “chủ nghĩa dân tộc”.

Bài bình luận mỉa mai “giấc mơ Trung Quốc” về “một thời kỳ đại phục hưng” với việc khẳng định chủ quyền với “đường lưỡi bò 9 đoạn” trái với luật pháp quốc tế và bị các nước phản đối. 

Trung Quốc ngày càng hiếu chiến

Trong bài “Trung Quốc, cường quốc càng ngày càng hiếu chiến” đăng trên nhật báo Pháp Les Echos số ra ngày 5-6, Gabriel Grésillon, phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của Les Echos đã chỉ ra rằng Trung Quốc ngày càng hung hăng với các nước láng giềng. Nếu như cách đây 5 năm, Trung Quốc còn được xem như là một quốc gia hòa bình, thì giờ đây đã trở thành một kẻ chuyên đi gây hấn các nước trong khu vực. 

Tác giả cũng chỉ rõ, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sau đó dùng vũ lực để chống trả các lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế. Trung Quốc đang hành xử như một “kẻ ngoài vòng pháp luật”. Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, luôn miệng nói đến hòa bình, ổn định nhưng cách hành xử và lời nói lại không đi đôi với nhau, “lật mặt”, “tráo trở”. Và chắc chắn rằng, từ nay về sau sẽ không còn ai tin vào Trung Quốc nữa.

Đồng quan điểm với nhà báo Gabriel Grésillon, trong bài viết được đăng trên trang mạng Agoravox của Pháp, ông André Bouny - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - ngày 23-6 có bài viết chứng minh những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Tác giả nhấn mạnh “chiến lược bành trướng” của Trung Quốc, với việc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong các năm 1956 và 1974. Bài viết cũng đặc biệt đề cập tới một tấm bản đồ của Trung Quốc vẽ vào cuối đời nhà Thanh (1644-1912) và được xuất bản vào năm 1904, trong đó xác định khu vực cực Nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam không bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tác giả cũng đăng một loạt hình ảnh cho thấy, Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như tấm bản đồ Trung Quốc được vẽ từ đời nhà Thanh, giấy khai sinh của công dân Việt Nam được cấp tại Hoàng Sa năm 1940, hồ sơ kỹ thuật xây dựng hệ thống đèn biển tại Hoàng Sa, cuốn Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942…

Cần sớm chọn “trọng tài”

Trong tuần vừa qua, nhật báo kinh tế Les Echos cũng có bài bình luận cho rằng với kiểu chiến lược “sự đã rồi” Bắc Kinh đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc không còn cách nào khác là thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả mà sẽ có những điều chỉnh lối ứng xử của mình.

Les Echos đã trích dẫn nhận định của bà Valérie Niquet thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược cho rằng: “Nếu họ phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ vị thế, còn nếu họ (các quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh) không phản ứng gì, trong trường hợp đó Trung Quốc rộng đường hành động”. Còn đối với ông Jean-François Di Meglio - Trung tâm châu Á nhận định rằng: “Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông được thực hiện dần theo kiểu vừa tiến vừa lùi, tuy không rầm rộ một lúc nhưng về lâu dài sẽ tích tụ thành thay đổi lớn”.