Trung Quốc chuyển hướng“đánh” tham nhũng ở lĩnh vực tư doanh

ANTĐ - Mao Hiểu Phong – Tổng Giám đốc Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc  đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc đưa đi thẩm vấn. Thông tin này gây chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc cuối tuần qua và được cho là khởi đầu của chiến dịch quét tham nhũng nhằm vào lĩnh vực tài chính tư nhân của Trung Quốc trong năm mới.

Trung Quốc chuyển hướng“đánh” tham nhũng ở lĩnh vực tư doanh ảnh 1Tổng Giám đốc Mao Hiểu Phong bị nghi ngờ 
dính vào án sai phạm của cựu chính khách Lệnh Kế Hoạch

Lún vào án sai phạm của quan chức

Ông Mao Hiểu Phong, 42 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý hành chính công thuộc Học viện Kennedy, Đại học Harvard và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Quản lý của Đại học Hồ Nam. Trước khi trở thành Tổng giám đốc  của Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc (CMBC), ông Mao từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp học sinh sinh viên toàn quốc. Năm 2002, ông Mao Hiểu Phong mới bước chân vào ngân hàng CMBC và chỉ 1 năm sau đó, ông làm Thư ký Hội đồng quản trị của CMBC.

Cuối tuần qua, khi bị đưa đi hỗ trợ điều tra, ông Mao đã đệ đơn từ chức với lý do cá nhân. Tuy Tổng giám đốc đột ngột từ chức, nhưng CMBC khẳng định việc ông Mao ra đi không ảnh hưởng đến các hoạt động của ngân hàng này. CMBC là ngân hàng tư nhân đầu tiên ở nước này, thành lập bởi 59 nhà đầu tư vào năm 1996 với số vốn cổ phần khoảng 48 tỷ USD. Trong bảng xếp hạng mới nhất được tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc đứng thứ 330 trong tổng số 500 ngân hàng lớn mạnh trên thế giới. Còn ông Mao Hiểu Phong được biết đến là một lãnh đạo trẻ có ý chí vươn lên, tính cách quyết đoán và là người yêu  công việc, hàng ngày ông làm việc liên tục 15 tiếng đồng hồ. 

Theo thông tin từ báo Tài Tân, vị Tổng giám đốc trẻ tuổi của CMBC bị cho rằng có dính líu tới ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng – quan chức bị Chính phủ Trung Quốc công bố điều tra cuối năm ngoái do nghi ngờ gây ra sai phạm nghiêm trọng (cụm từ ám chỉ điều tra tham nhũng của nước này). Mối quan hệ giữa ông Mao Hiểu Phong với ông Lệnh Kế Hoạch bắt đầu từ năm 1994 khi ông Lệnh là nghiên cứu sinh tại chức chuyên ngành quản lý công thương thuộc Đại học Hồ Nam và Mao Hiểu Phong cũng học cao học tại trường này. 

Theo blog Sina, thời gian làm Tổng giám đốc CMBC, ông Mao đã thành lập Câu lạc bộ phu nhân trong ngân hàng này. Vợ của các quan chức cao cấp được ngân hàng tuyển dụng trên danh nghĩa, không đi làm mà vẫn nhận lương. Với sự giới thiệu của ông Mao Hiểu Phong, bà Cốc Lệ Bình – vợ của cựu chính khách Lệnh Kế Hoạch có một thời gian đã làm việc tại một công ty con của ngân hàng. Ngoài ra, vợ của cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Tô Vinh là bà Vu Lệ Phương cũng từng làm việc tại đây. Dưới thời Tổng giám đốc trẻ này, CMBC còn trở thành một trong những đối tác của Tổ chức Thanh niên Trung Quốc Lập nghiệp (YBC), một quỹ do bà Cốc Lệ Bình sáng lập năm 2003.

Theo tờ Vượng Báo của Đài Loan, sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, việc ông Mao Hiểu Phong từ chức và bị thẩm vấn là “cơn địa chấn” đầu tiên trong giới lãnh đạo cấp cao của ngành tài chính tại Đại lục. 

Siết chặt tư doanh để tham quan hết đường vụ lợi

Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, vụ việc của ông Mao Hiểu Phong đã làm lộ ra một phần tảng băng giao dịch quyền lực – tiền bạc giữa lãnh đạo ngành tài chính với quan chức cấp cao của Trung Quốc. Theo Giáo sư Mã Quốc Hiền thuộc Đại học Tài chính kinh tế Thượng Hải, trong vụ điều tra tham nhũng của ông Lệnh Kế Hoạch, ông Mao Hiểu Phong là người đầu tiên và chắc chắn không phải là trường hợp cuối cùng trong giới lãnh đạo tài chính, ngân hàng bị “sờ gáy”.

Đáng chú ý, CMBC là ngân hàng dân doanh đầu tiên ở nước này nhưng tầng lớp lãnh đạo của nó thực chất đã bị chính quyền kiểm soát. Từ đó, các quan chức tham ô tạo ra một “sân sau” để giao dịch thế lực và tiền bạc. Chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh  nhận định, Chính phủ kiểm soát ngành ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc quan tham có điều kiện can thiệp hoạt động kinh doanh của ngành này. “Hệ thống ngân hàng có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thủ đoạn độc quyền, bởi Chính phủ cho phép quan chức đưa ra các quyết định. Điều này dẫn đến hiện tượng quan tham coi đây là kho bạc riêng của mình mà tham ô tài sản quốc hữu", ông Hồ Tinh Đẩu nói. Chuyên gia này cũng khẳng định hệ thống ngân hàng sẽ là mục tiêu bị điều tra trong năm nay của Chính phủ Trung Quốc.

Báo Phượng Hoàng dẫn lời bình luận của một chuyên gia thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, hoạt động chống tham nhũng trong lĩnh vực  doanh nghiệp tư nhân có thể ngăn chặn được hành vi đưa hối lộ, thanh lọc chính trị, tạo ra một quan trường “không dám, không thể và không muốn tham ô”. Nếu thực hiện được điều này, thì câu nói chống tham nhũng không có vùng cấm, không có sự khoan dung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng minh được hiệu quả.