Trung Quốc biểu tình bài Nhật thành bạo lực

ANTĐ - Các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc hôm chủ nhật ngày 19-8 đã trở nên bạo lực, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo cho biết. Theo hãng tin này thì người biểu tình Trung Quốc đã phá phách các nhà hàng Nhật cũng như ô tô do Nhật Bản sản xuất trong lúc tình cảm dân tộc đang dâng cao ở nước này. Các cuộc biểu tình chống Nhật đã bước sang ngày thứ hai, theo Kyodo, mà nguyên nhân là tranh chấp chủ quyền với Nhật về một chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông.

Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật tại Thâm Quyến

Giới chức làm ngơ

Ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, có khoảng từ 2.000 đến 3.000 người đã tuần hành trên các đường phố đốt cờ Nhật và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Hàng chục xe hơi của các hãng Nhật bị đập phá, trong khi một số người biểu tình còn tràn vào các nhà hàng Nhật để đập phá đồ đạc, Kyodo cho biết. Ngoài ra, các cuộc biểu tình chống Nhật khác cũng đã bùng phát ở Quảng Châu, Hàng Châu, Hồng Kông, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân, Thành Đô và Thanh Đảo. Ở Bắc Kinh, lác đác có các cuộc biểu tình nhỏ trước Đại sứ quán Nhật Bản.

Các cuộc biểu tình bùng phát hưởng ứng lời kêu gọi tuần hành chống Nhật vào cuối tuần này trên các trang mạng của Trung Quốc, sau khi Nhật Bản bắt giữ 14 người Trung Quốc từ Hồng Kông tìm cách lên chuỗi đảo tranh chấp mà phía Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cũng theo Kyodo, an ninh đã được thắt chặt ở hầu hết các điểm xảy ra biểu tình. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã “không có hành động gì” để ngăn chặn các cuộc biểu tình này, hãng tin Nhật cáo buộc. Ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, hơn 1.000 người biểu tình đã hô các khẩu hiệu chống Nhật và giương các biểu ngữ “Tiểu Nhật Bản, hãy cút khỏi Điếu Ngư Đảo”. Một vài người biểu tình đã đập vỡ cửa kính của một nhà hàng Nhật ở Hàng Châu.

Ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, hơn 1.000 người đã hát quốc ca Trung Quốc và hô các khẩu hiệu bài Nhật. Còn ở Hồng Kông, khoảng 200 người đã tuần hành đến Lãnh sự quán Nhật Bản để phản đối. Trước đó, hôm thứ bảy ngày 18-8, các cuộc biểu tình chống Nhật cũng bùng nổ ở Bắc Kinh, Tây An, Vũ Hán và một số thành phố khác của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên các cuộc biểu tình như vậy xảy ra trên quy mô lớn ở Trung Quốc kể từ tháng 9 năm 2010 khi giới chức Nhật bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá Trung Quốc đã đâm tàu vào hai tàu tuần duyên của Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp.

Lá bài quần chúng

Trong bản tin mới nhất, hãng tin Pháp AFP cũng cho biết, các cuộc biểu tình chống Nhật đã bùng nổ tại “ít nhất 8 thành phố” của Trung Quốc. Hãng tin này cho biết, chính quyền Trung Quốc đã “cho phép hàng ngàn người thể hiện sự tức giận” đối với tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Một số nhân chứng nói với AFP rằng, biểu tình cũng đã diễn ra ở Thượng Hải. Còn ở Thành Đô, biểu tình chống Nhật đã làm cho một thương xá Nhật và một cửa hàng của nhãn hiệu thời trang Nhật Uniqlo phải đóng cửa. Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc thường nhanh chóng bị dập tắt, nhưng các nhà phân tích cho biết lần này giới chức Trung Quốc lại muốn xảy ra biểu tình. “Họ đang sử dụng lá bài quần chúng để gây sức ép với Nhật Bản,” ông Willy Lam, một chuyên gia về Trung Quốc ở Hồng Kông, nói với AFP. “Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản nhận thức rằng, tình cảm dân tộc chủ nghĩa như là một con dao hai lưỡi,” ông phân tích, “Nếu như họ nhận thấy có khả năng biểu tình leo thang, họ sẽ ra dấu hiệu chấm dứt biểu tình”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ “cực lực phản đối” Tokyo về các hành động của nước này tại quần đảo tranh chấp.

Trong một diễn biến khác, một quan chức về an ninh trong nội các Nhật Bản đã nhấn mạnh việc cần phải huy động lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) để giám sát chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển của Nhật Bản, hãng Kyodo đưa tin. Phát biểu hôm chủ nhật ngày 19-8, ông Akihisa Nagashima, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, nói rằng chính phủ Nhật Bản cần xem xét sử dụng lực lượng SDF thông qua việc “sửa luật và các biện pháp khác”. Ông cũng đề xuất đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người thâm nhập vào lãnh thổ Nhật Bản bất hợp pháp với mục đích “xâm phạm chủ quyền” của nước này.