- 8 tiết mục xuất sắc đoạt giải Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024
- Khai mạc cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc – 2024
- Gần 100 nghệ sĩ tranh tài tại cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024
Đào tạo ngành xiếc mang tính chất đặc thù. Nếu đúng theo quy định thì chỉ cần 18 tháng tốt nghiệp trung cấp nhưng riêng trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam, thời gian học kéo dài 5 năm. Những em bắt đầu nhập học mới chỉ 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy cô giáo phải ăn ngủ cùng các em. Cho nên, học sinh trúng tuyển đã mừng mà giữ chân được các em ở lại càng khó khăn hơn gấp bội. Trường đã mời phụ huynh lên trường tham quan ký túc xá, xem chỗ ăn ở của con em, thuyết phục các bậc làm cha làm mẹ yên tâm cho con theo học.
Năm nay, sau khi kết thúc tuyển sinh, trường Trung học nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam đã đạt 100% chỉ tiêu. Đặc biệt, trong danh sách các con trúng tuyển, nhiều con em ở nội thành Hà Nội. NSƯT Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam cho biết, ông mừng vì xã hội đã có một cái cách nhìn cởi mở hơn, đã coi xiếc là một nghề. Còn trước đây, mấy năm trước, để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nhà trường phải đi các vùng xa Hà Nội. Năm nay, nhiều con em ở trong nội thành, bố mẹ là cán bộ, là viên chức đã tham gia ứng tuyển.
Nghệ thuật xiếc rất cần các tài năng được đào tạo chuyên sâu và bài bản |
Quá trình tuyển sinh đầu vào của nghệ thuật xiếc có sự chọn lọc rất gắt gao. Sơ tuyển thường có trên dưới 10.000 em tham dự. Sau đó, qua vòng 1, chỉ còn khoảng hơn 400 em đạt tiêu chuẩn và đến vòng chung tuyển và phúc tuyển, số lượng này rơi rụng dần, chỉ còn khoảng 10%, tức là chỉ có khoảng trên 40 em thông báo trúng tuyển.
Do tuyển chọn kỹ nên gần như 100% các em đã nhập học không chuyển ngành khác. Tuy nhiên, với các em không đủ chuyên môn, nhà trường vẫn phải cho các em thôi học, nhưng tỉ lệ không cao.
Nói về tính đặc thù của đào tạo tài năng xiếc, nhà giáo Ngô Lê Thắng cho hay, một giáo viên bình thường đứng lớp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì sẽ có khoảng 30 - 40 học sinh. Ở xiếc thì không thể áp dụng như vậy mà đôi khi một thầy dạy một học sinh trong suốt quá trình 5 năm. Ở một trường nghề bình thường nếu có 50 giáo viên có thể dạy 250 học sinh, nhưng với Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, nếu có 50 giáo viên thì cũng chỉ dạy được 40-60 học sinh. Nhưng điều bất cập là, dù thời gian đào tạo kéo dài và chuyên sâu nhưng chế độ đãi ngộ đối với diễn viên lại rất thấp. Tốt nghiệp từ Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ, nghệ sĩ sẽ được xét là diễn viên hạng 4. Bên cạnh đó là thời gian làm nghề ở thời kỳ đỉnh cao lại rất ngắn.
NSƯT Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam chụp ảnh cùng các học trò tại cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 |
"Chính vì thế, để giải quyết được những bất cập căn bản đấy, nhà trường sẽ xin để nâng cấp lên thành trường cao đẳng. Nhờ đó sẽ giải quyết được phần nào những cái bất cập lớn ở trong cái khâu đào tạo và khâu nguồn nhân lực cho cái ngành xiếc nói chung", Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam nói.
Bên cạnh những khó khăn bất cập, đào tạo diễn viên xiếc và tạp kỹ cũng có không ít thuận lợi. Trước hết, đó là đào tạo tài năng, có đặc thù là ngành nghề hiếm, khó tuyển sinh nhưng xã hội lại cần nên Chính phủ đã cho nhà trường nhiều chế độ ưu đãi. Hơn thế, nhu cầu tuyển diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc không chỉ đơn thuần là nằm ở các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp nữa mà các đoàn doanh nghiệp ở bên ngoài cũng có nhu cầu lớn. Do vậy, đầu ra đối với nhà trường tương đối rộng mở.