Trong thế giới người điên: Bỗng dưng “thoát tục”

ANTĐ - Để đối phó với bệnh “điên” và những hệ lụy do người điên gây ra tại thuộc địa, người Pháp đã rất quan tâm và xây dựng một số “dưỡng trí viện” tại Việt Nam từ năm 1915 mà điển hình là Nhà thương điên Biên Hòa (nay là BV tâm thần TW II). Giáo trình Việt ngữ đầu tiên về bệnh tâm thần, cuốn “Điên? Dưỡng trí viện?” của Bác sỹ Nguyễn Văn Hoài viết: “Điên là thoát tục. Dưỡng trí viện là thiên đường. Hiểu như vậy có đúng không?” Thực ra cách ví von ấy cũng có lý. Nó chưa hẳn đúng mà cũng không hoàn toàn sai, ít nhất là đối với tư duy của các bệnh nhân...

Họa sỹ Kiệm với các “kiệt tác” của mình

Ai cũng có thể điên

Theo Bác sỹ Phạm Ngọc Duệ - Phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công tỉnh Thái Bình thì bệnh tâm thần được chia ra rất nhiều thể như: thể tiến triển; thể hoang tưởng; thể trầm cảm; thể kích động; thể căng trương lực… Ở mỗi thể, bệnh nhân cũng có những triệu chứng hoặc biểu hiện khác nhau. Trong giáo trình tâm thần học, hoạt động của con người được coi là hoạt động cao cấp. Người bình thường thì mọi suy nghĩ, hành vi, giao tiếp… có thể kiểm soát được và phản ánh đúng hiện thực khách quan. Khi những hoạt động đó bị rối loạn, sai hiện thực khách quan thì có thể coi là bị tâm thần. Có 2 nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần.

Với những người bị tai nạn, bị thương… ví dụ như những người lính sau khi bị ảnh hưởng bom, pháo ngoài chiến trường trở nên mất kiểm soát hành vi, không nhận thức được bản thân và mọi người xung quanh thì gọi là làm tâm thần có nguồn gốc ngoại sinh. Những trường hợp này thường ở thể kích động. Còn những trường hợp do lo âu, stress, căng thẳng… hoặc những lý do khác về mặt tâm lý dẫn đến bị tâm thần thì gọi là tâm thần có nguồn gốc nội sinh (hay còn gọi là tâm thần phân liệt). Những trường hợp này thường ở thể hoang tưởng…

Như vậy, về mặt khoa học, bất kỳ ai trong số chúng ta cũng có thể bị “điên”. Theo bác sỹ Duệ, từ người có học tới người ít học đều có thể mắc bệnh. Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp như hiện nay thì áp lực cuộc sống càng khiến cho con người dễ mắc bệnh. Một trong những người nổi tiếng bị mắc bệnh “điên” và ngay cả trong khi “điên” vẫn để lại nhiều tác phẩm mà đến nay vẫn gây tranh cãi là thi sỹ, dịch giả Bùi Giáng (1926-1988). Ông được biết tới với nhiều bút danh như Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lê, Sáu Giáng… với vô số các tác phẩm dịch bất hủ từ Hán văn tới Pháp văn và Anh văn như Hamlet của 

Shakespeare, Hoàng tử bé của Sain-Exupery…

Đó là chưa kể tới hàng loạt tiểu luận Triết học và Văn học khác như: Tư tưởng hiện đại; Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại; Lễ hội tháng 3… Nhưng ông cũng từng là công dân của “dưỡng trí viện” Biên Hòa  nhiều lần kể từ năm 1969. Thậm chí ngay cả sáng tác của ông cũng được các chuyên gia tâm thần nghiên cứu vì chúng để lộ triệu chứng của một loại bệnh tâm thần mới. Nhiều tác phẩm mà Bùi Giáng viết trong thời gian bị bệnh được chính ông gọi là viết trong thời gian “bắt đầu điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng) hay còn gọi là “thoát tục”.

Những vĩ nhân tỉnh lẻ

Để hiểu rõ hơn về những thuật ngữ rối rắm của bệnh tâm thần, tôi theo Y sỹ trưởng Nguyễn Thị Tuyết xuống thăm Khoa 2, nơi có khá nhiều bệnh nhân “thoát tục” như thi sỹ Bùi Giáng. “Vĩ nhân” Ngô Văn Tuấn năm nay đã 57 tuổi nguyên là diễn viên chèo của Đoàn chèo Thái Bình “định cư” ở đây đã ngót 30 năm. Ông Tuấn luôn cho rằng mình là một ngôi sao sáng giá thuộc diện vedette trên sân khấu cả nước. Ấy vậy mà ở đây “toàn lũ dốt đặc”  chẳng ai nhìn nhận ra tài năng của ông. Thấy thấy vị khách lạ xách máy ảnh, ông te tái chạy ngay đến hồ hởi: “Ồi giời ôi. Nhà báo đến viết bài chụp ảnh đăng báo cho em đấy à?”. 

Tôi hỏi: Diễn viên chèo thì vào đây làm gì? 

Đáp: Chúng nó bảo em bị điên đấy. 

Lại hỏi: Thế điên như thế nào? 

- Em chỉ hơi điên thôi.

- Sao lại hơi điên?

- Nào ai biết, em bị lây điên từ người nhà đấy. Nhưng bây giờ em khỏi rồi. Em có nhiều sáng tác lắm. Toàn sáng tác chèo. Nhà báo muốn nghe không?

- Những vở gì thế?

- Ôi toàn kiệt tác Olympic, nhà báo không biết à? Như vở: Non tiên giời nước non tiên; Thiên binh vạn mã triệu triệu trời; Hàng dương mùa hạ… Trung ương về đây mua vở chèo của em phát lên trời suốt cơ đấy.

Thấy ông bắt đầu trổ tài hát chèo bằng những câu vô nghĩa với cái giọng khê nồng, tôi bèn lảng ra chỗ khác. Đi khá xa vẫn thấy ông độc diễn múa may một mình giữa trời nắng chang chang.

Nếu ông Tuấn hoang tưởng rằng mình là một diễn viên kiêm nhà viết kịch kiệt xuất thì Bùi Văn Kiệm (quê ở Tiền Hải, Thái Bình) lại khẳng định anh ta là một họa sỹ đại tài. Toan, cọ của Kiệm chủ yếu là than và tường. Khắp khuôn viên Khoa 2 chi chít những bức họa trứ danh của anh ta từ ngoài hành lang cho tới tận phòng ngủ. Những người ngày ngày “thưởng tranh” của Kiệm là 75 bệnh nhân còn lại của khoa thì tỏ ra khá dễ tính và không hề phàn nàn gì khi anh ta sáng tác. Chỉ có điều tranh của Kiệm toàn vẽ bằng… chữ.

Kiệm tâm sự với tôi: “Họa sỹ nghèo lắm nhà báo ơi. Bức này em bán cho chúng nó có 1 tỷ mà chúng nó vẫn chưa trả tiền. Nhà báo có thuốc cho em xin 1 điếu” - Kiệm vừa nói vừa nhìn vào gói thuốc lá của tôi, còn tay thì chỉ lên dòng chữ nguệch ngoạc trên tường. 

Tôi hỏi: Sao Kiệm lại vẽ được nhiều thế? 

Đáp: Em bồn chồn lắm. Cứ bồn chồn là em vẽ. Không vẽ em không ngủ được. Nhà báo thấy em có giống Van Gogh không?

- Sao em lại vẽ lên tường?

- Cho chúng nó khỏi lấy cắp tranh. Chúng nó mà bê bức tường đi là em biết ngay, kiểu gì cũng biết tay em.

Tôi cứng lưỡi trước lập luận rất tỉnh táo ấy, nhìn sang chị Tuyết, chị cười: “Bệnh nhân ở đây cứ thế đấy, họ cứ nửa điên nửa tỉnh. Chẳng biết đằng nào mà lần. Anh mà tiếp chuyện họ cả ngày thì có mà vỡ bụng vì cười”.

(Còn tiếp)