- Mức án cụ thể đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan
- Trịnh Văn Quyết bị phạt 21 năm tù và bị truy thu xung công 684 tỷ đồng
- Nhìn lại vụ án Trịnh Văn Quyết trước giờ tuyên án
Theo đó, ở vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan, trong đó có cả những bị cáo từng giữ vai trò, trọng trách quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán lần lượt bị đưa ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thao túng thị trường chứng khoán”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Ngoài mức án cho các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng quyết định về phần dân sự. Cụ thể, về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư là 1.364 tỷ đồng và phải truy nộp số tiền hơn 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Tổng số tiền bị cáo Quyết phải khắc phục là 1.864 tỷ đồng. Tòa ghi nhận gia đình bị cáo dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. |
Em gái bị cáo Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt mức án 11 năm 6 tháng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 30 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là 14 năm tù. Bị cáo Huế phải khắc phục 251 tỷ đồng.
Em gái thứ hai của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga phải nhận mức án 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt cả hai tội danh là 8 năm tù. Tòa cũng tuyên buộc bị cáo Nga phải truy nộp 83 tỷ đồng.
Về thiệt hại của các nhà đầu tư do sở hữu cổ phiếu ROS của Công ty Faros, HĐXX xác định, trong năm lần tăng vốn khống của Công ty Faros có 1.100 tỷ đồng là vốn góp thực; 3.100 tỷ đồng là vốn góp khống. Một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng có hơn 7.200 đồng là vốn khống, không có thật. Do đó, HĐXX thấy cần buộc các bị cáo bồi thường phần vốn góp khống này cho các bị hại là nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS ban đầu.
Quá trình hoạt động, Công ty Faros đã 2 lần tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Vì vậy, tỷ lệ vốn khống trong mỗi cổ phiếu Faros giảm bớt, chỉ còn hơn 5.400 đồng.
Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS về sau, được triệu tập tới tòa với tư cách người liên quan, HĐXX xác định, Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS đang lưu hành, chỉ bị hủy niêm yết. Do đó buộc các bị cáo phải bồi thường phần vốn khống này cho những người liên quan.
Đối với các bị hại, người liên quan chưa có yêu cầu bồi thường trong vụ án này, HĐXX dành quyền khởi kiện cho họ khi có yêu cầu.
Theo HĐXX, có 85 nhà đầu từ gửi đơn xác nhân đã nhận được bồi thường của gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Đến nay, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã nộp hơn 260 tỷ đồng khắc phục hậu quả và tòa tuyên tiếp tục giữ số tiền này để đảm bảo thi hành án. Bị cáo Trịnh Văn Quyết và các em gái cần tiếp tục nộp thêm đủ số tiền khắc phục hậu quả. Những bị cáo không hưởng lợi không cần bồi thường.
Trong vụ án, HĐXX xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo việc nâng khống vốn góp Công ty Faros, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu hành cổ phiếu ROS, đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Bị cáo Quyết cũng là người quyết định việc sử dụng số tiền chiếm đoạt được.
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng là người chỉ đạo lập, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, mua bán liên tục để thao túng giá 5 mã cổ phiếu.
Hành vi của bị cáo Quyết là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự, chứng khoán, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, lợi dụng sàn chứng khoán HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm đối với bị cáo.