Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hoàng Xuân Lương:

"Trình diễn để tiến tới mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ"

ANTĐ - Lần đầu tiên một cuộc trình diễn trang phục dân tộc quy mô toàn quốc sẽ diễn ra, hứa hẹn mang tới nhiều điều thú vị, hấp dẫn đối với công chúng, đặc biệt là những ai yêu thích văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
"Trình diễn để tiến tới mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ" ảnh 1
Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Trưởng Ban tổ chức

Ngày 28-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) chương trình trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ chính thức diễn ra nhằm tôn vinh vẻ đẹp các dân tộc Việt Nam. Nhiều trang phục dân tộc đã thất truyền cũng sẽ xuất hiện trở lại trong chương trình. ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Trưởng Ban tổ chức chương trình xung quanh sự kiện này.

Đây là lần đầu tiên có một cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam quy mô toàn quốc, xin ông cho biết chương trình sẽ mang ý nghĩa như thế nào đối với các dân tộc Việt Nam?

Chương trình trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp các dân tộc Việt Nam thông qua bộ trang phục truyền thống để khơi dậy vẻ đẹp đó trong đời sống hàng ngày của đồng bào. Đồng thời thông qua cuộc trình diễn này cũng thế hiện sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống các dân tộc. Bên cạnh đó, hoạt động rộng lớn trên quy mô toàn quốc này cũng thể hiện tinh thần đại đoàn kết 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ông có thể cho biết chương trình đã được triển khai đến các tỉnh thành trong cả nước như thế nào và tiêu chí tuyển chọn là thế nào, thưa ông?

Uỷ ban Dân tộc và các đơn vị liên quan đã có sự hướng dẫn cụ thể, từng cơ sở thành lập Ban tổ chức đồng thời kết hợp là Hội đồng thẩm định thành một đơn vị. Tức là vừa là Ban tổ chức vừa kết hợp với các nhà nghiên cứu để làm nhiệm vụ tư vấn, thẩm định. Trong văn bản chúng tôi gửi các địa phương đều phải căn cứ vào nguồn gốc lâu dài nhất của bộ trang phục đấy, trang phục đấy có lâu năm nhất, thứ 2 là họa tiết phải thể hiện đặc điểm của từng dân tộc, rồi đến kiểu dáng và đặc biệt là phải được nhân dân tộc người đấy chấp nhận và coi đó là trang phục gốc của họ.

Hiện nay một số dân tộc ít người đã bị mất trang phục gốc, vậy Ủy ban Dân tộc có biện pháp gì để khắc phục điều này không, thưa ông?

Hiện nay một số dân tộc mất trang phục như đồng bào Ê Đu, Chứt, Stiêng… Đối với các trường hợp này, sau khi có thông tin từ cơ sở như thế thì chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương phải đi đến tận các nơi, kể cả các nước khác ở bên cạnh, các nước láng giềng chúng ta, để khảo sát xem bộ gốc của tộc người đó là như thế nào rồi chụp ảnh lại. Sau đó về báo cáo với UBND tỉnh, sử dụng kinh phí địa phương khôi phục lại bộ trang phục đấy theo họa tiết, kiểu dáng mà kết quả nghiên cứu đã đưa ra. Và chúng ta coi đó là trang phục gốc của đồng bào.

Hiện nay đã xuất hiện một số chất liệu mới trong trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số Việt Nam, vậy tại lần trình diễn này Ban Tổ chức có quan tâm đến vấn đề chất liệu trong trang phục không thưa ông?

Theo quan điểm chúng tôi, chúng tôi quan tâm nhất đến họa tiết hoa văn, kiểu dáng và đặc biệt là trang phục đó có họa tiết, kiểu dáng có thời gian tồn tại lâu nhất và được đa số đồng bào của tộc người đó thừa nhận chứ không quan tâm nhiều đến chất liệu.

Uỷ ban Dân tộc Chính phủ có kế hoạch gì để bảo tồn trang phục của các dân tộc sau chương trình trình diễn này, thưa ông?

Chúng tôi đang cố gắng sử dụng nguồn tài chính của Ủy ban Dân tộc để mua lại ít nhất là 54 bộ đại diện cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam để lưu giữ tại Ủy ban Dân tộc và coi đó là những bộ gốc nhất của 54 dân tộc. Sau này có thể chúng ta đưa chúng vào trong bảo tàng dân tộc học lưu giữ để các nhà dân tộc học nghiên cứu hoặc phục vụ đồng bào các dân tộc muốn xem bộ trang phục gốc của dân tộc mình như thế nào.

Có ý kiến cho rằng, chương trình trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam là bước khởi đầu cho kế hoạch thực hiện mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

Hiện nay Ủy ban Dân tộc đã làm việc và thống nhất với 51 tỉnh thành có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rằng trong khi chờ đợi văn bản của Nhà nước thì tại các tỉnh thành này, trong tất cả những ngày lễ hội của tỉnh, dân tộc nào mặc trang phục dân tộc đó và thậm chí kể cả tại Ủy ban Dân tộc Chính phủ cũng vậy. Sau khi chúng ta đã làm được trên địa bàn của 51 tỉnh thành như thế thì Ủy ban Dân tộc sẽ chính thức có văn bản báo cáo Chính phủ để điều này trở thành một quy định của nhà nước.