Triển lãm “Bồng bềnh”: Cuộc phiêu lãng của nhóm "Nhẹ"

ANTD.VN -Khi tôi đến triển lãm tại 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trước giờ khai mạc, tôi chưa thực sự hiểu vì sao nhóm Nhẹ - nhóm họa sĩ đã có một quá trình hoạt động chung với nhau, nay vừa kết nạp thêm một số thành viên để có một con số 10 tròn trĩnh - lại đặt tên triển lãm là “Bồng bềnh”. Mỗi người một phong cách, một lối biểu hiện, vậy điều gì đã kết nối họ lại với nhau, trong một triển lãm có cái tên nhẹ như khói như mây đó?

Nhưng rồi, cùng với dòng người bước vào triển lãm ngày một đông hơn, tôi nhận ra rằng những bức tranh ở đó đã khiến người ta có cảm giác như mọi thứ trong cuộc sống đều được tuốt bỏ đi những gai góc để chỉ còn lại một cảm giác dìu dịu mong manh, đẹp đẽ như một áng mây chiều, phiêu lãng như một cơn gió, và vừa nhẹ nhàng vừa uyên áo như một trò chơi của trí tuệ.

Những mảnh ghép đa diện

Mười người, mười phong cách hội họa khác biệt, từ lối vẽ thiên về hiện thực, biểu hiện, trừu tượng cho đến pha chút hơi hướm lập thể… Nhưng nếu Nguyễn Gia Đức, với kĩ thuật sơn dầu khoáng đạt, ở nhiều bức ứng dụng lối vẽ kiệm giản đường nét, phô trương màu sắc ấn tượng, thì Nguyễn Thọ Hiếu lại sở trường lối vẽ hiện thực, sử dụng kĩ thuật sơn dầu vẽ mỏng nhiều lớp một cách thuần thục.

Tác phẩm "Bống" của họa sĩ Nguyễn Duy Anh

Tác phẩm "Bống" của họa sĩ Nguyễn Duy Anh

Tác phẩm "Chiếc áo giáng sinh" của họa sĩ Nguyễn Thọ Hiếu

Tác phẩm "Chiếc áo giáng sinh" của họa sĩ Nguyễn Thọ Hiếu

Phạm Ngọc Vũ với các tác phẩm sơn dầu sử dụng gam màu rực rỡ đã vẽ người phụ nữ khỏa thân bằng bút pháp trừu tượng hóa đến gần như phi biểu hình. Nguyễn Minh Tú, họa sĩ nữ duy nhất trong nhóm, quan niệm mỗi con người vốn không được cuộc đời hay lịch sử nhìn nhận một cách nguyên dạng, họ bị một lớp thời gian, không gian, ở đó bao hàm cả những yếu tố như dòng dõi, gia thế và thời đại quy định, che lấp, nên mỗi bức chân dung của họ chỉ lộ ra một phần của thân thế.

Bởi vậy mà trong các bức sơn dầu vẽ những người phụ nữ với vẻ ngoài quý phái, quyền uy, nữ họa sĩ đã làm mờ đi phần lớn bức tranh, khiến người xem có cảm giác như có một làn bụi bao phủ, chỉ có một góc gương mặt được lộ diện.

Tác phẩm HarTung của họa sĩ Nguyễn Gia Đức

Tác phẩm HarTung của họa sĩ Nguyễn Gia Đức

Họa sĩ Đoàn Xuân Tùng lần này cho ra mắt một loạt các tác phẩm vẽ trên giấy dó với phong cách biểu hiện và biểu hiện trừu tượng, vẽ những cuộc phiêu lưu của tâm trí. Họa sĩ Nguyễn Duy Anh cũng triển khai trên giấy dó kết hợp với chất liệu phấn màu, màu nước đã mang đến triển lãm những bức tranh nhỏ nhắn, duyên dáng với màu sắc đằm thắm dịu dàng.

Có một số họa sĩ đã thể hiện niềm đam mê và sở trường của mình trên nhiều chất liệu, như Đào Tuấn với các tác phẩm sơn mài, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Tác phẩm “Thời gian đang trôi” của anh sử dụng nhiều chất liệu, trong đó có cả những chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ gắn vào phía dưới bức tranh, tạo hiệu ứng về sự chảy trôi của thời gian, nhưng đồng thời lại tạo cảm giác về sự lắng đọng.

Sau tất cả, trong dòng thời gian miên man bất tận của vũ trụ, sau những hoang phế đổ nát của hàng hàng lớp lớp sự sống, thì vẫn có gì đó lắng lại như một thứ trầm tích đầy màu sắc lấp lánh, khiến cho người ta không ngưng hy vọng…

Mỗi họa sĩ giống như một mảnh ghép hợp lại thành bức tranh lớn, mang đến một bữa tiệc thị giác đa dạng, đẹp mắt, lịch thiệp và trang trọng.

Cuộc chơi vừa nghiêm túc vừa nhẹ bẫng

Họa sĩ Trần Thế Anh, tác giả vẽ chuyên sâu về chất liệu sơn mài, cho biết đây là một chất liệu đặc biệt, ở đó vừa có chiều sâu, độ thắm của những nguyên liệu đến từ tự nhiên, vừa có sự lộng lẫy, sang trọng. Do có tính ước lệ cao, cộng với quá trình hoàn thiện một tác phẩm sơn mài trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi không chỉ có cảm hứng mà còn là kinh nghiệm, kĩ thuật xử lý, khiến cho chất liệu dễ bị khô cứng và thiên về tính trang trí, cho nên trong quá trình sáng tác, Thế Anh đã cố gắng để đưa chất cảm lên bề mặt tranh, đưa cảm xúc vào từng nét vẽ, mảng màu, để bức tranh trở nên mềm mại sâu lắng.

Tác phẩm Tàn thu của họa sĩ Trần Thế Anh

Tác phẩm Tàn thu của họa sĩ Trần Thế Anh

Nguyễn Tiến Ngọc cũng mang đến triển lãm một loạt các tác phẩm sơn mài như “Giản dị”, “Ngủ trưa”, “Thời gian hẹp”…, với kĩ thuật khá linh hoạt. Bằng thái độ làm việc nghiêm túc, các họa sĩ trong nhóm Nhẹ đã gửi gắm vào từng tác phẩm của mình niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật và cả khao khát được lan tỏa những rung cảm thẩm mĩ tới người thưởng ngoạn.

Điều mà tôi chợt nhận ra khi đắm mình vào không gian của triển lãm, ngay cả khi xung quanh tôi ồn ào náo nhiệt, đông đúc người xem, là cái chất phiêu của các tác phẩm. Lao động nghiêm túc, ý thức nghệ thuật nghiêm cẩn, nhưng không có nghĩa các nghệ sĩ gò mình vào một tâm thế sáng tạo nặng nề, máy móc. Những bức tranh đã được vẽ với tất cả tình yêu cái đẹp, sự tận hiến của người nghệ sĩ đầy đam mê. Đâu đó trong các bức giấy dó của Kiều Trung Hiếu người ta thấy những hình thể và màu sắc quyện vào nhau trong một logic của tiềm thức, điều khó có thể phân tích một cách mạch lạc và rành rẽ bởi ý thức.

Trong bức “Bống” của Nguyễn Duy Anh, người ta cảm nhận được phía sau những mảng màu tưởng chừng đơn giản ấy là một sự sáng tạo đầy ngẫu hứng và tinh tế của họa sĩ khi thể hiện tâm hồn trẻ thơ trong vắt hồn nhiên. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Gia Đức là kết quả của sự tính toán nghiêm khắc trong từng nét vẽ, bảng màu nhưng cũng tràn đầy tính tùy hứng, yếu tố vô cùng cần thiết của hội họa.

Bởi vậy, triển lãm đã thực sự mang lại cảm giác “bồng bềnh” cho người thưởng lãm. Đúng như quan niệm của nhóm Nhẹ, nghệ thuật là một cuộc chơi nghiêm túc và nhẹ bẫng. Nghiêm túc trong ý thức, thái độ sáng tạo. Nhẹ bẫng trong tâm thế sáng tạo. Nghiêm túc để có thể nhẹ bẫng. Và nhẹ bẫng để có thể dấn thân, đồng hành cùng nghệ thuật một cách nghiêm túc, lâu bền.