Trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí... góp sức đưa Thủ đô lên tầm cao mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 7-1, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các vị chức sắc tôn giáo và các cơ quan báo chí...
Lãnh đạo thành phố Hà Nội với các đại biểu dự buổi gặp mặt

Lãnh đạo thành phố Hà Nội với các đại biểu dự buổi gặp mặt

Chủ trì buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Tiếp thêm niềm tin vào tương lai

Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu, những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực mà Hà Nội đạt được trong năm 2020 cho thấy những cố gắng, nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân dân Thủ đô, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy Hà Nội.

Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ, phật tử Thủ đô rất vui mừng trước những thành quả mà thành phố đạt được trong năm qua. Mục sư Nguyễn Hữu Mạc - Hội trưởng Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) nêu rõ: “Những kết quả phát triển của Thủ đô trong năm 2020 với nhiều khó khăn đặc biệt đã tiếp thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào tương lai đi lên của Thủ đô Hà Nội và đất nước”.

Trong khi đó, NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định, Hà Nội là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Với những chính sách hướng đến phát triển kinh tế sáng tạo, phát huy nguồn lực sáng tạo văn hóa, Hà Nội hứa hẹn mở ra những cơ hội phát triển mới trong phát huy nguồn lực văn hóa, công nghiệp văn hóa…

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đề nghị thành phố thúc đẩy mỗi trường đại học, cao đẳng trên địa bàn trở thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển giao tri thức thật sự hiệu quả; tạo sự liên kết giữa các trung tâm này để hình thành mạng lưới với các trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của các quận, huyện, thị xã, đồng hành với các doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô. Thành phố cần có cơ chế điều phối hệ sinh thái khởi nghiệp này.

Nhân tố quan trọng để phát triển

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: “Những thành tựu của Hà Nội trong năm 2020 là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, trong đó có sự đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các trường đại học, cao đẳng, chức sắc tôn giáo trên địa bàn”.

Tiếp thu các ý kiến nêu trên, Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội.

Hiện nay, thành phố đang triển khai “Mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, xây dựng Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Thành phố cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản chuyển đổi số xong trong các cơ quan Đảng, các doanh nghiệp trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%).

“Để thực hiện mục tiêu phát triển tới đây, thành phố xác định phải dựa vào văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và nhân tố con người. Văn hóa và con người Hà Nội phải trở thành nguồn lực nội sinh, là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững. Thành phố đã quyết định sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự buổi gặp mặt

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự buổi gặp mặt

Báo chí là lăng kính để thành phố đánh giá kết quả công việc

Gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, Bí thư Thành ủy ghi nhận các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu về việc, có lúc, có nơi, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế. Theo Bí thư Thành uỷ, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 50% số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang làm việc tại 600 cơ quan báo chí.

Đây là điều kiện rất tốt giúp cho lãnh đạo thành phố tiếp thu được rất nhiều thông tin từ dòng chảy của cuộc sống, lắng nghe các cơ quan báo chí cũng chính lắng nghe ý kiến người dân làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách. “Hằng ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có báo cáo điểm báo cho Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp thu, giải quyết. Báo chí là lăng kính để thành phố đánh giá kết quả công việc, cái gì được để tiếp tục phát huy, cái gì còn hạn chế để khắc phục”- Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, không chỉ mong muốn được chia sẻ, hợp tác với các cơ quan báo chí ngày càng sâu sắc, hiệu quả hơn; thành phố đã và đang có những việc làm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp trang thông tin của Thành ủy Hà Nội (www.thanhuyhanoi.vn); duy trì, nâng cấp, tăng cường chất lượng Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội (www.hanoi.gov.vn). Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức họp báo định kỳ và phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2021.

Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục thực hiện giao ban với Tổng Biên tập các cơ quan báo chí để chỉ đạo, định hướng tuyên truyền đối với báo chí theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thành ủy cũng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát để nghiên cứu với mong muốn hướng tới xây dựng một trung tâm báo chí là ngôi nhà chung của các cơ quan báo chí trung ương và thành phố.

Ngoài ra, đối với các cơ quan báo chí thành phố đã tự chủ về tài chính, nhưng năm 2020 có tác động do Covid-19 gặp khó khăn thì thành phố có chính sách hỗ trợ để bảo đảm mức sống và tiền lương cho cán bộ, công nhân viên. Đây là chủ trương đã được HĐND thành phố thống nhất thông qua. “Tinh thần chung của thành phố là công khai, minh bạch, cởi mở với báo chí. Lãnh đạo thành phố rất muốn gặp báo chí, tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động. UBND thành phố, các cấp, các ngành phải quán triệt tinh thần đó, không có hạn chế gì đối với thông tin báo chí” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy đề nghị, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, các vị chức sắc, tín đồ các tôn giáo; đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; các trường đại học và cao đẳng, các cơ quan báo chí chung tay góp sức với ý chí quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuộc sống; tạo bầu không khí chính trị, xã hội lành mạnh, vui tươi, phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cùng đưa Thủ đô Hà Nội vươn lên một tầm cao mới, xứng đáng với vị thế và sự tin yêu của nhân dân cả nước.