Trẻ con mùa dịch cũng cần sự cảm thông!

ANTD.VN - “Bố ơi, tuần tới có đi học không?”. Đó là câu hỏi mà tôi luôn được nghe mỗi cuối tuần từ lũ trẻ nhà mình, suốt thời gian qua. Và tôi thật sự chưa hình dung ra trạng thái cảm xúc của chúng khi nghe câu trả lời: “Vẫn nghỉ, con à!”. Kỳ nghỉ dài ngoài dự kiến vì dịch bệnh khiến bọn trẻ kiệt sức là điều mà tôi đã không thể hình dung ra trước đó. 

Khoảng thời gian chơi đùa với nhau chính là lúc trẻ học được các kỹ năng xã hội

Cậu con trai lớp 8 xanh xao cớm nắng vì nằm nhà đọc sách, xem tivi triền miên. Dù tôi khuyến khích con ra ngoài trời để vận động nhưng trẻ con cần cộng đồng của chúng. Mùa dịch, đám bạn cùng lứa hầu hết được khuyến cáo ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Sống ở chung cư, việc nhà không có gì để làm, sự vô vị trong bốn bức tường làm cậu con trai phát ốm. Cô con gái lớp 6 gầy nhẳng, sút gần hai cân sau hơn tháng nghỉ học. Cuộc sống ít vận động và thừa thãi sự buồn tẻ khiến nó chán ăn.

Nghỉ phòng chống dịch bệnh không thể giống nghỉ Tết hay nghỉ hè - đó là một kỳ nghỉ bị động, không có sự chuẩn bị về tâm thế, không kế hoạch sử dụng thời gian, đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn với lũ trẻ con khi còn trong lứa tuổi phụ thuộc quá nhiều vào người lớn và không thể tự quyết định hành động của bản thân.

Dịch bệnh ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Rồi cả xã hội sẽ phải lo lắng để phục hồi kinh tế, để tái lập những hoạt động bị gián đoạn, để khắc phục hậu quả. Nhưng tôi tin rằng, sẽ rất ít người nghĩ đến việc đánh giá những tác động tiêu cực mà lũ trẻ con đang phải gánh chịu. Trẻ con nghỉ học thì sẽ lại học bù mà thôi. Nhiều người đã, và sẽ vẫn nghĩ thế. Sẽ không ai nghĩ đến những ảnh hưởng tâm lý đối với bọn trẻ ở giai đoạn này, khi chúng buộc phải nghĩ về sự vô nghĩa của bản thân trong những ngày nghỉ học.

“Nghỉ phòng chống dịch bệnh không thể giống nghỉ Tết hay nghỉ hè - đó là một kỳ nghỉ bị động, không có sự chuẩn bị về tâm thế, không kế hoạch sử dụng thời gian, đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn với lũ trẻ con khi còn trong lứa tuổi phụ thuộc quá nhiều vào người lớn và không thể tự quyết định hành động của bản thân”.

 Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Trong những năm chiến tranh, thế hệ ông, cha của bọn trẻ hôm nay cũng đã có những kỳ nghỉ bất thường để sơ tán bom đạn. Nhưng những đứa trẻ ngày đó không thấy cuộc sống vô vị như lũ trẻ bây giờ, bởi họ phải nỗ lực để sinh tồn, họ được chia sẻ những vấn đề của cả cộng đồng. Những đứa trẻ thành phố như lũ con của tôi thì khác. Chúng được bao bọc, và dù muốn dù không cũng vô tình bị cách ly khỏi cuộc sống một cách thụ động.

Dịch bệnh, dù muốn hay không cũng sẽ là một phần tất yếu của cuộc sống, là điều mà con người chúng ta sẽ phải đối mặt thường xuyên trong suốt cuộc đời mình. Tất nhiên, chúng ta sẽ luôn phải cố gắng để làm sao hạn chế tốt nhất sự lây lan của bệnh dịch. Nhưng, những cố gắng đó không đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng hoạt động, ngừng sống để chờ đợi bệnh dịch qua đi. Vậy thì tại sao con cái của chúng ta lại phải chịu đựng một cuộc sống mà không được sống, thụ động chờ đợi ngày này qua ngày khác một cách vô vị?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Trẻ con nghỉ học tránh dịch là điều tốt cho lũ trẻ ở thời điểm này. Nhưng chúng cũng rất cần được sống một cách thực sự, cũng phải đối mặt với những vấn đề khó khăn chung của cuộc sống loài người, chứ không phải bị cách ly khỏi cuộc sống thường ngày.

Ở nhà, lũ trẻ sẽ an toàn hơn trong những ngày phòng dịch, điều đó đúng. Nhưng đó đồng thời là sự an toàn của những con gà công nghiệp trong cái chuồng tiêu chuẩn mà người nuôi áp đặt. Bây giờ, bọn trẻ con nhà tôi đã chán hỏi bố rằng: “Tuần sau có đi học hay không?”.