Trật tự đô thị nhìn rõ sự tốt lên: Vào cuộc tổng lực, đồng bộ

ANTĐ - Có thể cảm nhận rõ rệt đối với sự thay đổi, chuyển biến tích cực về trật tự đô thị (TTĐT) trên nhiều trục đường, tuyến phố ở Hà Nội. Tại Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông… số “điểm đen” hàng quán lấn chiếm hè, trông giữ xe sai phép, không phép, hàng rong, chợ cóc, đã giảm mạnh. Thuật ngữ “làn sóng xanh”- chỉ những tuyến đường, vỉa hè cùng trục, cùng diện tích và được áp dụng biện pháp quản lý thống nhất để tạo sự thông thoáng cho đô thị - đã định hình.

Vỉa hè phố Trung Liệt, quận Đống Đa và phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm thông thoáng 

“Phân cấp” trách nhiệm

Chiều muộn ngày cuối tuần, tìm đến trụ sở Phòng CSTT- PƯN CATP Hà Nội ở 40B Hàng Bài, Hoàn Kiếm, dù không hẹn trước, tôi vẫn gặp được Đại tá Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng. Căn phòng trên gác hai với ánh sáng đỏ của ngọn đèn bàn và những tập kế hoạch, phương án đảm bảo TTĐT dày cộp đã toát lên phần nào tính chất - khối lượng công việc mà lực lượng CSTT nói riêng đang triển khai. 

Đại tá Hoàng Thanh Bình cho biết, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, Phòng CSTT- PƯN cùng công an 29 quận, huyện, thị xã đang hối hả xây dựng và triển khai các biện pháp lập lại TTĐT, bám sát chỉ đạo của Giám đốc CATP. Lâu nay, TTĐT với Hà Nội luôn được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm. Bao nhiêu chủ trương, chỉ thị từ Trung ương, thành phố đã ban hành, liên quan đến TTĐT; rồi cũng không đếm xuể những đợt ra quân ở mỗi địa bàn; song phức tạp, vi phạm chỉ giảm trong khoảng thời gian nhất định, rồi tái xuất. Câu chuyện vỉa hè đã và đang khiến nhiều cấp cơ sở đau đầu, thậm chí lúng túng trong xử lý.

“Không quyết liệt, không đột phá, không có những biện pháp mang tính xuyên suốt, đặc biệt phân định rõ trách nhiệm của từng địa bàn, từng người chỉ huy đơn vị, TTĐT sẽ khó được lập lại sự ổn định”, đó là tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện những giải pháp đảm bảo TTĐT mà Ban Giám đốc CATP quán triệt đến các quận, huyện, thị xã. Vào cuộc lập lại TTĐT lần này, một đơn vị vốn lâu nay đặc thù chỉ là những công việc “bàn giấy” - Văn phòng CATP - nhưng đã được Ban Giám đốc CATP giao nhiệm vụ quan trọng: trực tiếp kiểm tra công tác thực hiện ở các đơn vị. Tổ kiểm tra đặc biệt được thành lập, gồm liên quân Văn phòng CATP, Phòng CSTT, Phòng CSGT. Hết mỗi ngày làm việc đến sau 24h, Tổ đặc biệt chia thành nhiều mũi đi kiểm tra những địa bàn trọng điểm. Tất cả các vi phạm đều bị lập biên bản, sau đó “mời” đại diện cơ sở đến chứng kiến. Địa bàn giữ tốt TTĐT cũng sẽ được ghi nhận. Kết thúc mỗi tuần, sẽ có bản báo cáo tình hình của Tổ đặc biệt được tập hợp, rồi gửi trực tiếp đến Giám đốc CATP. “Nơi nào để tồn tại phức tạp kéo dài về TTĐT mà không được giải quyết, trưởng CAP phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP”, thông điệp mới nhất mà người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô khẳng định, tại cuộc họp giao ban tháng mới đây.

Sự phân định rõ ràng trách nhiệm của các phòng nghiệp vụ, các quận, huyện, thị xã là điểm nhấn trong công tác lập lại TTĐT đang được triển khai. Ngoài việc phối hợp với Văn phòng CATP xây dựng kế hoạch chung, rồi cắt cử cán bộ tham gia Tổ kiểm tra đặc biệt, Phòng CSTT- PƯN chịu trách nhiệm rà soát, giải quyết những “điểm nóng” ở các khu vực giáp ranh. “Tình trạng kinh doanh trái phép gầm cầu cạn Thanh Trì”, “Xử lý hàng đêm, quá giờ quy định”, “Xử lý các điểm trông giữ phương tiện không phép”… là những chuyên đề - kế hoạch lớn mà Phòng CSTT- PƯN đang đảm đương. Tiếp nối vai trò quán xuyến chung của đơn vị cấp phòng, từng quận, huyện cũng bắt tay triển khai cụ thể kế hoạch đảm bảo TTĐT, tập trung vào mấy nội dung chính: không để hàng quán lấn chiếm vỉa hè; hạn chế, xóa dần các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép; giải tỏa chợ cóc, chợ tạm…

Những chuyển biến lớn 

Chưa thể khẳng định những vi phạm lấn chiếm hè, kinh doanh quá giờ quy định đã được giải quyết triệt để. Nhưng sự chuyển biến về TTĐT ở nhiều địa bàn, đặc biệt những quận “nóng” về TTĐT, là thực tế dễ ghi nhận. “Phố mực” Hàng Bồ - quận Hoàn Kiếm, giáp ranh giữa phường Hàng Đào và phường Hàng Bồ; thời gian trước ai đi ngang qua, khoảng từ 19h đến… 1-2h sáng hôm sau, thế nào cũng bị giữ xe mời vào ăn mực, uống rượu. Giờ thì cơ bản yên ổn. Lên phố Hàng Bồ tìm hàng mực vỉa hè được xem là chuyện khó! Khu đô thị Văn Quán - Hà Đông cũng vậy; cỡ tháng 6, tháng 7, quanh hồ Văn Quán nhức nhối hiện tượng nhiều thanh thiếu niên tụ tập xe máy lạng lách, đánh võng. Khu hồ đẹp như vậy mà bị gần 50 quán cà phê bao vây. Khách đến uống cà phê để xe lung tung trên hè, dưới lòng đường. Nhưng thời điểm này, hồ Văn Quán đã văn minh trở lại, sau những đêm tuần tra, cắm chốt, nhắc nhở và xử lý bền bỉ của các lực lượng CAQ Hà Đông có sự phối hợp của Trung đoàn CSCĐ.

Một điểm nhấn ấn tượng khác là trục phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn, dài chừng 5km chạy qua 9 phường của quận Đống Đa. Trong 2 tháng trở lại đây, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền kết hợp nhắc nhở, xử lý của lực lượng công an được thực hiện, góp phần chấm dứt cơ bản hiện tượng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, biển quảng cáo, mái vẩy đua ra đường. Khái niệm “vỉa hè dành cho người đi bộ”, lâu lắm rồi mới hiện hữu trên 3 trục phố xuyên suốt quận Đống Đa. Và phấn khởi là thông tin mà Đại tá Bùi Văn Đại- Trưởng CAQ chia sẻ: “Đợt ra quân, triển khai kế hoạch lập lại TTĐT lần này, chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ cơ sở và người dân”…

(Còn  tiếp)