Xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm:

Tranh tụng về việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC: Thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia(?!)

ANTD.VN - Ngày 13-1, phiên tòa xét xử các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng đồng phạm tiếp diễn với phần bào chữa của các luật sư.

Bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN tại phiên tòa

Luật sư nói: Chỉ là thiếu trách nhiệm, chứ không cố ý làm trái (?)

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, luật sư Lê Đình Ứng cho biết, giai đoạn lấy lời khai bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không mời luật sư vì cho rằng đã làm đúng quy định. Về sau, do sức khỏe không đảm bảo và thấy cần có luật sư nên mới mời luật sư…  

Trước đó, bày tỏ quan điểm về đường lối xử lý đối với nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án Thái Bình 2), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn biết rõ Hợp đồng EPC được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo tạm ứng cho PVC.

Với chức năng của mình, bị cáo Sơn không chỉ đạo kiểm tra sử dụng nguồn vốn nên để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. Do vậy cần phải xử lý nghiêm khắc đối với bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Luật sư Lê Đình Ứng cho rằng chủ trương về Dự án Thái Bình 2 đã được lập trước khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về PVN. Ngoài các tài liệu trong hồ sơ vụ án thì bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Phùng Đình Thực cũng đã khai nhận rõ. Luật sư nhìn nhận, Hợp đồng số 33, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không biết. Về việc PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC, luật sư cho rằng Ban QLDA Thái Bình 2 có quy chế quản lý tài chính riêng.

Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3-6-2011 và theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV PVN là ứng vốn 10% thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. “Việc chuyển tiền từ PVN sang Dự án Thái Bình 2 thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia”, luật sư Lê Đình Ứng nhìn nhận và cho rằng khi tiền chuyển xuống PVC thì việc thất thoát thuộc trách nhiệm của đơn vị này.  

Sau cùng, luật sư Lê Đình Ứng đánh giá, việc truy tố Nguyễn Xuân Sơn về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng mà có chăng chỉ là sự thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn còn đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết có lợi để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ. Trong đó, đặc biệt là việc bị cáo thành khẩn khai báo và tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án. 

Chỉ là giúp sức gây thiệt hại, nhưng bị cáo đã tự khai ra? 

Đến lượt bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC, luật sư Hoàng Anh Tuấn cho rằng trước khi bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản thì bản thân bị cáo đã tự khai ra hành vi của mình, đồng thời đề nghị gia đình nộp 800 triệu đồng khắc phục hậu quả. “Việc này diễn ra trước khi bị khởi tố nên đây có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ”, luật sư Hoàng Anh Tuấn đánh giá.  

Về các tình tiết của vụ án, luật sư bào chữa cho nguyên Tổng Giám đốc PVC nhìn nhận, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo lập hồ sơ khống nhưng trong hồ sơ không có chứng cứ nào thể hiện điều đó mà chỉ có chỉ đạo đề nghị đơn vị có lãi đóng góp để PVC chi đối ngoại. Do đó, vai trò của bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ là giúp sức. Đối với tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm, trong vụ án này, giám định thiệt hại là chưa chính xác. Số tiền PVC làm sai là chỉ có hơn… 700 tỷ đồng.  

Trong khi ấy, bày tỏ quan điểm đối với nguyên Tổng Giám đốc PVC ở phần trước, đại diện Viện kiểm sát nhận định, quá trình thực hiện Dự án Thái Bình 2, bị cáo Vũ Đức Thuận là người ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng và trực tiếp tham gia việc quyết định sử dụng  tiền tạm ứng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước.

Viện kiểm sát cho rằng trên cương vị là Tổng Giám đốc PVC, bị cáo Vũ Đức Thuận có vai trò cùng với bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) lập khống hồ sơ, rút tiền từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Riêng cá nhân ông Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng và phải chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng 1,5 tỷ đồng. 

Cũng vào ngày thứ sáu xét xử vụ án, hành vi của Ninh Văn Quỳnh, nguyên Trưởng ban Kế toán PVN và Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN một lần nữa được làm rõ. Cụ thể, theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Ninh Văn Quỳnh biết Hợp đồng EPC được ký và thực hiện trái quy định nhưng vẫn đề xuất việc chuyển tiền chi tạm ứng cho PVC. Hành vi của bị cáo Ninh Văn Quỳnh góp phần tạo điều kiện để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích.

Đối với Lê Đình Mậu, Viện kiểm sát xác định thực hiện Dự án Thái Bình 2, bị cáo này được giao quản lý vốn đầu tư. Bị cáo biết Hợp đồng EPC ký trái quy định nhưng vẫn tham mưu, đề xuất với Nguyễn Xuân Sơn trong việc quyết định việc cấp tạm ứng đợt 3 và đợt 4  để Ban QLDA chi tạm ứng cho PVC trái quy định và PVC sử dụng sai mục đích góp một phần gây thiệt hại cho Nhà nước.  

Bào chữa cho 2 bị cáo nêu trên, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng dù PVC có sử dụng sai mục đích, trái pháp luật thì số tiền này không bị mất vì một thời gian khác sẽ bù lại được. Theo luật sư Đỗ Ngọc Quang, PVN là 100% vốn Nhà nước, trong khi pháp luật không cho phép doanh nghiệp Nhà nước mang tiền Nhà nước ra gửi tiết kiệm để lấy lãi.

Do đó, không thể xác định thiệt hại vụ án này bằng cách tính thiệt hại từ tiền lãi. Sau cùng, luật sư Đỗ Ngọc Quang đề nghị Hội đồng xét xử chuyển khung hình phạt cho bị cáo Lê Đình Mậu, đồng thời áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và chỉ áp dụng án treo đối với một trong hai thân chủ mà vị luật sư này đảm nhiệm trọng trách bào chữa.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục đối mặt với phiên tòa thứ hai

Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa quyết định đưa Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm ra xét xử ở vụ án “Tham ô tài sản” thứ hai. Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Cụ thể, phiên tòa thứ hai đối với Trịnh Xuân Thanh sẽ được mở vào ngày 24-1 tới đây và dự kiến sẽ kéo dài đến 6-2-2018.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền và Thẩm phán thứ hai là bà Ngô Thị Ánh, Phó Chánh tòa Hình sự. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn có 3 hội thẩm nhân dân. Tòa án Hà Nội cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết tại phiên tòa.

Hai kiểm sát viên là Phạm Đức Long và Nghiêm Ngọc Hương (Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội) sẽ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa. Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng bố trí thêm 1 kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa. 

Các bị cáo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ bị đưa ra xét xử tới đây gồm: Trịnh Xuân Thanh (SN 1966), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Đào Duy Phong (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972), nguyên Tổng Giám đốc PVP Land); Đinh Mạnh Thắng (SN 1962), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà); Thái Kiều Hương (SN 1973), nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan; Lê Hòa Bình (SN 1954), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965), nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần  Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú tại phường 10, quận 3, TP.HCM. 

Kết quả điều tra cho thấy, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm vì động cơ vụ lợi đã thông đồng với nhau ký kết và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương để chiếm đoạt hơn 87 tỷ đồng của PVP Land, trong đó có tài sản Nhà nước. Giá trị tài sản của Nhà nước bị các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận đã nhận lời đề nghị của Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) về việc giúp đỡ, phê duyệt phương án bán cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza để được hưởng lợi cá nhân số tiền 14 tỷ đồng.