Tránh tình trạng “cào bằng”

ANTĐ - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững vừa diễn ra, trả lời câu hỏi: Vì sao cứ 3 hộ lại có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải thích, trong số các hộ tái nghèo một phần do chuẩn nghèo được nâng lên hàng năm. Mặt khác còn do tác động của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và tách hộ. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 giảm 7,6-7,8%. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tập trung ở miền núi Tây Bắc với trên 28%, miền núi Đông Bắc 17,4%, Tây Nguyên và khu 4 cũ 15%, Đông Nam bộ 1,3%.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiện nay có quá nhiều chính sách giảm nghèo chồng chéo làm khó cho người tổ chức thực hiện lẫn bộ phận người dân được hưởng lợi từ chính sách. Bên cạnh đó vẫn còn “bệnh thành tích” trong công tác giảm nghèo ở một số địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện còn 16 chương trình mục tiêu quốc gia và có tới hơn 190 văn bản về chính sách giảm nghèo của các bộ. Nhiều chính sách còn “cào bằng” dẫn đến tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có lại không cần”.

Đại diện một số bộ nhất trí cho rằng, cần rà soát  chính sách giảm nghèo để tích hợp nhằm giúp các địa phương thực hiện. Vì sao giảm nghèo chưa bền vững, theo đại diện Bộ Xây dựng, là do làm chính sách xuất phát từ nhu cầu chứ không phải từ nguồn lực. Làm chính sách mà có quyết định của Thủ tướng, bộ vẫn không có tiền rót xuống địa phương. Đơn cử, nhiều chương trình được đánh giá cao như 135, chương trình nước sạch, song nguồn lực chỉ đạt 51-71% khiến cho thời gian thực hiện kéo dài, hiệu quả không được như mong muốn.

Theo đại diện Bộ Tài chính, phải bớt các chính sách “cho không”, nếu hộ nghèo còn người có khả năng lao động mà vẫn hỗ trợ tiền sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và làm mất nguồn lực lao động. Tạo việc làm cho người nghèo “chiếc cần câu hơn là cho con cá” mới giúp họ thoát nghèo chắc chắn, lâu dài. Vì vậy, cần triển khai chính sách giảm nghèo theo phương thức: 1+1+1, tức là vừa hỗ trợ, vừa cho vay đối ứng, vừa cho vay ưu đãi tín dụng. Từ nguồn lực này sẽ kéo theo nguồn lực khác, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Rất cần đưa ra các gói hỗ trợ để người nghèo có thể lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, trong các chính sách giảm nghèo có rất ít chính sách đưa tiền trực tiếp xuống người dân theo kiểu “cho không”, thay vào đó là kinh phí dạy nghề, cấp vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh…

Trưởng Ban chỉ đạo về giảm nghèo nhận định, dù tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa đồng đều, bền vững. Do vậy, cần xác định đối tượng nào là cho không, cho vay, hỗ trợ, tránh tình trạng “cào bằng”, nơi cần thì không có, nơi có lại không cần.