Tránh “dồn toa” vấn đề bức xúc

ANTĐ - Sau hơn ba tuần làm việc khẩn trương, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội bước vào phiên chất vấn 4 vị Bộ trưởng. Nhìn vào danh sách chất vấn, ngoài  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã giải trình các vấn đề không mới trong kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và  Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là những thành viên Chính phủ lần đầu tiên đăng đàn. Những vấn đề nổi cộm, những điểm nghẽn, nút thắt của nền kinh tế sẽ không có các “tư lệnh” trả lời chất vấn.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chất vấn các thành viên Chính phủ không phải để giải quyết ngay vấn đề đặt ra trong các câu hỏi, mà là để áp đặt chế độ trách nhiệm cao hơn đối với thành viên Chính phủ trong việc điều hành, quản lý kinh tế - xã hội tốt hơn. Trong phiên chất vấn đầu tiên mở đầu kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Quốc hội theo hình thức đổi mới. Theo đó, khi chất vấn mỗi câu hỏi tối đa không quá 2 phút và người trả lời phải ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội là người trực tiếp điều hành các phiên chất vấn với cách làm như cắt ngang câu hỏi cũng như câu trả lời, nhắc nhở người trả lời quá dài hoặc vòng vo không đi thẳng vào vấn đề. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành cách điều hành này vì làm cho không khí chất vấn trở nên sôi động, tiết kiệm thời gian và tập trung đi đến cùng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. 

Tuy nhiên, dư luận và công luận có nhận xét chung là “độ nóng” của các phiên chất vấn dường như có chiều hướng giảm dần. Hơn thế, các thành viên Chính phủ được lựa chọn trả lời chất vấn hầu như đều “chọn” những lĩnh vực, vấn đề ít bức xúc. Cũng có ý kiến từ phía cơ quan chức năng giải thích rằng, từ đầu năm 2012, Thủ tướng đã thực thi chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” truyền hình trực tiếp thường xuyên hàng tuần, đã trở thành một kênh thông tin hiệu quả, “giảm tải” những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời giảm sức ép cho các phiên chất vấn trong các kỳ họp. Mặt khác, cũng trong thời gian qua, giữa hai kỳ họp thường niên của Quốc hội, hàng loạt phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tác dụng rõ rệt trong việc giải tỏa và giải quyết hàng loạt vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm. Thực ra, trong các phiên họp của Ủy ban, hình thức chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành hoạt động phổ biến, không kém phần gay gắt và mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng để “dồn toa” những vấn đề cần giải trình và tìm biện pháp giải quyết, chứ không đợi đến phiên chất vấn chính thức trên nghị trường.